|
BÓNG MÂY BÊN LẦU HOÀNG HẠC
Toại Khanh Có một truyện ngắn, của nhà văn nào đó tôi quên mất, kể về cái chết của một người mẹ trẻ trong thời chiến. Chuyện chẳng có gì, nhưng tôi cứ nhớ hoài hình ảnh đứa bé trong truyện. Giữa cơn nắng chiều khô nóng, nó bò quanh cái xác cứng đờ của mẹ rồi lay gọi bằng cái giọng ngọng nghịu chưa biết nói tròn câu. Nó tưởng mẹ ngủ quên. Nó không hề biết mẹ nó đã chết và chết là gì nó cũng chưa hiểu. Rồi thì lúc đói khát quá, nó rúc đầu vào ngực mẹ như mọi ngày. Ở đó bây giờ chỉ là một vết thương hoen máu với đàn kiến lửa bu đầy. Chỉ vậy thôi. Nhưng hình ảnh đó, dù chỉ qua mấy hàng chữ, cứ đeo bám trí nhớ của tôi. Nhiều lúc cứ tưởng mình đã quên, nhưng không phải thế. Ngày lớn tuổi, tôi có nhiều cơ hội đọc sách, xem phim về đức Phật và thật lạ lùng khi thỉnh thoảng lại nghe mơ hồ trong lòng cái cảm giác bơ vơ của đứa bé trong câu truyện ngắn vừa nhắc ở trên. Sách của các tác giả Đông Tây, từ Ánh sáng Á Châu (The Light Of Asia) của Edwin Arnold, đến Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường... Điện ảnh thì là vài ba phim của Nhật, Ấn, Hoa Kỳ. Đại khái toàn phim lẻ. Thấy thiên hạ có lòng với Phật thì vui lắm, nhưng thường thì hình tượng về Ngài trong mấy công trình đó chẳng hiểu sao lại cứ khiến tôi nghe buồn buồn. Đó đâu phải đức Phật của mình chứ. Tôi vẫn hiểu rằng Thế Tôn đã vĩnh viễn ra đi, nhưng không lẽ đến cả chút bóng hình của Ngài lưu lại trần gian này cũng hiếm hoi đến vậy sao. Dù các bộ phái có vận dụng phương tiện thiện xảo đến mức nào đi nữa thì theo tôi, ít nhiều người ta cũng đã đẩy xô bóng dáng cần có của đức Phật ra khỏi đời thực. Đức Phật qua lăng kính Mật Tông thì lung linh huyền bí. Phật qua cách nghĩ của Tịnh Độ Tông thì quyền phép màu mè. Phật của Thiền Tông thì khô lạnh, duy lý. Phật trong cách nghĩ của trí thức Tây phương thì thực tế quá chừng. Thực tế đến mức dung tục, bình phàm. Dĩ nhiên, đó chỉ là cảm nhận chủ quan của riêng tôi. Tôi cứ thầm mong tìm thấy đâu đó một tác giả mô tả hình ảnh đức Phật theo cách tưởng tượng của tôi. Đó là một ẩn sĩ bằng xương bằng thịt, gì ngài cũng biết và ai ngài cũng thương. Con người đó cũng có lúc đau bệnh già yếu, và sau cùng bỏ xác ở một miền đất hẻo lánh chỉ vì cuộc hạnh ngộ với một người chưa từng gặp mặt. Vị ẩn sĩ đó không hề là một thần linh hay một giáo chủ chỉ chực nhồi sọ giáo chúng. Ngài chỉ nhỏ nhẹ đưa ra những gợi ý, đề nghị. Minh triết mà dễ gần, huyền ẩn nhưng giản dị. Như biển rộng, sông dài, như ghềnh thác, cồn bãi, cho ai đến cũng được, ai cũng có thể sờ chạm, nhưng vẫn có riêng những bí mật ngàn đời. Ai cũng có thể tắm biển nghịch cát để tưởng mình đã hiểu được đại dương, nhưng cái biết của cả nhân loại về đại dương chỉ là những vỏ sò trên bờ biển. Tôi nghĩ, ai cũng có quyền đổ khuôn một thần tượng cho riêng mình. Tùy theo nhận thức và cảm quan cá nhân mà Phật hay Chúa trong lòng từng người có hình dáng ra sao. Buộc người khác phải nghĩ tưởng chuyện đời theo cách của mình thì đúng là bạo lực, chuyên chế, tập quyền, độc tài, thậm chí mọi rợ. Thôi thì tôi lại một mình trong những đêm tối cuộc đời, với một bức ảnh Phật của riêng mình. Bằng giấy cũng được, miễn là như cách tôi nghĩ. Vậy rồi một ngày tôi đã tìm thấy cuốn Đường Xưa Mây Trắng của Hòa thượng Làng Mai. Tác giả là một nhà văn và cũng từng là người viết một bộ Phật giáo sử nổi tiếng khả tín. Ấn tượng sâu đậm của tôi về tác giả ít nhất là hai nét lớn: Ngài là một người có tài diễn đạt trong sáng và hấp dẫn những vấn đề khó hiểu. Thứ đến là khả năng dẫn dụ tuyệt vời: Ngài giúp nhiều người biết yêu quê, thương Phật theo một lối riêng rất mộc mạc nhưng thâm hậu. Tôi đã đọc Đường Xưa Mây Trắng ít nhất một lần. Và ngay sau khi nghe tin sách được chọn để làm kịch bản cho một bộ phim lớn về đức Phật, tôi tìm vào Thuvienhoasen.org để đọc lại lần nữa. Ngoài cái thơ mộng của một ngòi bút tài hoa, cuốn sách còn là một công trình biên khảo nghiêm túc. Tác giả đã tham chiếu kinh điển của cả Nam phương, Bắc phái một cách công phu và tâm huyết. Tôi trộm nghĩ, mỗi thế kỷ chỉ cần một cuốn sách cỡ đó cũng đủ khiến Phật giáo Việt Nam lớn mạnh rồi. Đặc biệt, với một văn phong nhẹ nhàng thanh thản, tác giả giúp ta đi không biết mệt qua những nẻo đường giáo sử khô khan và gai góc. Những nhân danh và địa danh bằng chữ Pāḷi, chứ không phải Sanskrit (như Sāriputta thay vì Sāriputra), giúp ta dễ dàng thấy ra những cảnh đời bình dân của một vùng châu thổ Ma-kiệt-đà hai ngàn năm trước. Thế nhưng, vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó. Tôi tắt máy và ngồi nhắm mắt một lát để xem mình vừa thấy gì. Tôi đi tìm hình ảnh đức Phật và đã nhìn thấy gì qua Đường Xưa Mây Trắng. Thật lạ, tôi vừa có một ý nghĩ ngộ nghĩnh. Đức Phật trong đó không phải người Ấn Độ và phong vận, ngữ khí của ngài trong Đường Xưa Mây Trắng cứ khiến tôi nhớ đến trung tâm Luy Lâu hơn là vườn Lộc Uyển. Bỏ đi vài hạt sạn nhỏ của Việt tính và Ngã tính trong tác phẩm, Đường Xưa Mây Trắng chắc chắn có thêm không ít độc giả. Tôi nhớ từng khó chịu khi đọc một cuốn sách của ông Đoàn Trung Còn kể chuyện đức Phật thi triển sức mạnh với một nhóm lực sĩ, rồi thì câu chuyện Ngài quỳ lạy một đống xương người và bây giờ là hình ảnh một vị Phật ngồi thổi sáo trong Đường Xưa Mây Trắng. Nhà văn Vũ Khắc Khoan từng viết một truyện ngắn hư cấu việc ngài A-nan vâng lời Phật trở về thăm thú nhân gian thời mạt pháp và bàng hoàng trước cái gọi là Phật giáo thời đại mới. Hôm nay nhớ lại, tôi thầm tiếc thương ông Vũ. Tôi vẫn tự hỏi không biết thiên hạ hôm nay nghĩ sao nếu nhìn thấy đức Đạt-lai Lạt-ma hay một thiền sư tiếng tăm nào đó lại có những cử chỉ giống hệt những gì thiên hạ vẫn gán cho đức Phật. Sư phụ Thanh Hải là một nữ giáo chủ tóc tai đầy đủ, nhưng đối với không ít người, những hành trạng của bà vẫn cứ khó chấp nhận. Tôi chợt thấm thía bất ngờ những câu kinh ngắn gọn mà uyên ảo của cả Nam phương và Bắc phái rằng, ai thấy pháp thì người đó thấy Như Lai hoặc ai lấy âm thanh sắc tướng mà cầu thị ta thì đó là ngoại giáo. Có lẽ không một ảnh tượng nào trung thực với hình bóng tuyệt đẹp của đức Phật cho bằng những lời dạy của Ngài. Người làm theo một tí lời Phật thì đã dễ thương khả kính thì nói gì Ngài là bậc Pháp vương. Muốn tưởng tượng ngài có hình dáng thế nào, giọng nói ra sao thì cứ ghé mắt vào kinh thư. Mọi thêu dệt, suy diễn theo phàm tình nhiều khi lợi bất cập hại. Tôi vẫn nhớ hoài một câu nói của tác giả Đường Xưa Mây Trắng rằng, trong cuốn sách này sở dĩ ngài không nhắc gì đến những phép lạ thần thông của đức Phật vì nghĩ rằng Thế Tôn là bậc đại trí, thiếu gì phương cách tiếp dẫn chúng sanh mà phải dùng đến hạ sách phù phép. Tôi cũng muốn theo đó gắn thêm một nửa câu nói rằng, Thế Tôn là bậc đại trí nhìn xa trông rộng thì có lẽ cũng không cần gì đến những phương tiện hại nhiều hơn lợi, hoặc lợi trước mắt mà hại về sau. Tôi tin tác giả đã vì lòng từ bi đối với những độc giả nặng tình với văn hóa Việt Nam mà dùng lại một số hoa văn họa tiết đời sau để tô điểm hình ảnh đức Phật trong Đường Xưa Mây Trắng. Cuốn sách đọc qua ai cũng phải hiểu là một hình thức cách điệu lịch sử. Do đó, tuyệt không dám có nhận xét nào phạm thượng bất kính đối với ngài. Tôi chỉ có một niềm mong mỏi nhỏ bé là, độc giả xem sách hôm nay hay xem phim sau này sẽ hiểu được đó chỉ là những phương tiện thiện xảo mà thôi. Và trên hết, cũng xin nhắc lại ý tưởng vừa thưa ở trên là muốn thấy Phật hãy học lời Phật và muốn hiểu Phật, hãy đi theo con đường mà đức Phật đã đi. Chim hạc đã bay mất vào thinh không miên viễn, bên lầu Hoàng Hạc bây giờ chỉ còn lại một màu mây trắng mênh mông. Bao nhiêu ráng chiều, sương sớm quanh lầu cũng chỉ là từng gợi nhớ về những cánh hạc ngày cũ. Mộng mị quá nhiều dễ khiến người ta liên tưởng về một loài chim khác, dù có sặc sỡ như phượng hoàng thì cũng không phải cánh hạc xưa. Bỗng nhiên nhớ Thôi Hiệu của Trung Hoa, rồi thì ông Tản Đà của xứ Việt quá chừng chừng: “Hạc vàng bay mất từ xưa Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay!
Toại Khanh
|