VÔ VỊ CHÂN NHÂN

Toại Khanh 

 

- Đây xuống đó không xa nhưng bất tiện đường sá đò cầu, có lẽ mỗi năm con chỉ có thể về thăm thầy một lần thôi. Xin thầy bảo trọng và khi có chuyện cần, xin nhờ người nhắn tin gấp cho con. Chậm lắm cũng trong hai ngày là con đã về tới rồi.

- Cám ơn con, ta thấy vậy nhưng không sao đâu. Quanh ta bây giờ còn có các huynh đệ khác của con. Điều quan trọng là ở đâu và lúc nào cũng hãy nghĩ là có ta bên cạnh. Đừng lo lắng gì, con lớn rồi, trước sau gì cũng phải xa thầy để đi làm cái gì đó. Đạo nghiệp của chúng ta không phải chỉ có chuyện truyền thừa tại chỗ, mà còn hoằng hóa muôn phương nữa. Con nhớ chứ!

Gió đêm mơn man quanh thảo bạt như để mang đi câu chuyện trao đổi của hai vị sơn tăng ra khắp núi rừng. Nhà sư trẻ cúi chào lão hòa thượng lần nữa rồi bước xuống chân thang. Đi được vài bước, thầy nghe tiếng sư phụ đằng hắng:

- Quên nữa, con cũng nên đến chào lão Câm lần cuối trước khi đi, xem lão có dặn dò thêm điều gì…

- Thưa, phải ạ, bạch sư phụ, có lẽ là vào hôm con đi ạ!

Lao sơn là một ngọn núi cao nhất trong vùng, nhưng khách xa đến viếng hầu như không chú ý đến chiều cao đó. Với họ, cái bắt mắt nhất vẫn là một ngôi cổ tự nằm cheo leo bên sườn núi với một mái ngói cong vút như lưỡi đao và những hành lang bằng gỗ như gắn hờ trên vách đá thẳng đứng nhìn qua đã thấy chóng mặt. Chẳng biết người khai sơn xưa kia đã nghĩ gì khi chọn lấy chỗ hiểm địa kỳ khu thế này, nhưng rõ ràng ngôi chùa hiện tại đã là chốn danh thắng nổi tiếng, dù nhiều người chỉ có thể đứng nhìn từ xa. Và ngắm trăng từ sơn tự Lao Sơn là một kỳ thú của bao cao sĩ mặc khách quanh vùng.

Nhưng đối với một ít người trong số đó, hấp lực của Lao Sơn chính là một thảo xá tồi tàn nằm trơ trọi dưới chân núi. Chủ nhân là một tiều phu tóc trắng mà người quen biết vẫn gọi là lão Câm. Hiếm người ghe thấy lão mở miệng bao giờ, nên hầu hết cứ gọi lão Câm. Lâu ngày, những người biết chuyện cũng gọi lão như thế. Kỳ thực, lão chỉ là người thậm ít nói, khi nói cũng không mấy lời và chỉ phá lệ mở miệng với rất ít người. Đã vậy, lời lão giản phác như gió rừng, mơ hồ như sấm ký. Có điều, càng ngẫm nghĩ càng thấy kỳ lạ, xài đâu cũng được, hiểu sao cũng xong.
Đặt nhẹ tay đãy hành lý xuống đất, Tâm Huyền hắng giọng gọi khẽ:

- Lão trượng! Tâm Huyền đến chào biệt ông đây, mai mốt chắc là ít có dịp gặp lại ông.

Lão Câm đang ngồi xoay lưng ra ngõ và hì hục nặn đất làm thứ gì đó như là mấy cái nồi gốm. Ông quay người lại, nheo mắt nhìn:

- Chào thầy, lại đi à? Bao xa? Bao lâu?

- Dạ, sau hôm mãn khóa, hòa thượng dạy tôi xuống Dã Trấn dựng chùa. Lần đầu dám đương chuyện này một mình cũng thấy bất an. Ngài bảo tôi đến gặp ông.

- Đội ơn hòa thượng xem trọng lão, lão không dám đâu thầy.

- Chuyến này đi xa chỉ có một mình, cũng có chút bối rối, nếu có được đôi lời của ông thì tôi chắc dạ hơn…

Lão Câm vo ve chút đất thó trong tay, mắt nhìn xuống, thong thả:

- Từ chỗ không chi mà có chút gì đã khó. Khi có rồi lại đủ sức trở về với cái không chi một cách bình tâm thì càng khó hơn. Nhưng cả hai việc khó ấy đều là chuyện phải làm.

- Xin lão nói rõ hơn ạ!

- Dám vô danh khi có thể hữu danh thì phải là bậc đại hùng. Ai cũng có thể nói câu ‘sự thành thân thoái’, nhưng không phải ai cũng có thể đứng trong bóng đêm mà vun xén cho đời. Nói nhẹ nhàng thì cũng vì tiếc công. Chỉ có bậc đại nhân mới có thể đứng sau thiên hạ mà quên mất công tích của chính mình. Niềm vui đó lớn lắm, vì tri kỷ của mình lúc đó phải là bậc đại hiền. Hàng cao sĩ mới nếm được cái thú cao nhã này. Nhưng nói gọn lại thì gì cũng chỉ là bè cỏ qua sông!

Một khách tăng xem chừng cũng người uyên bác đến Lao Sơn cầu pháp với hòa thượng. Gặp lúc khó ở trong người, ngài chỉ tiếp một buổi rồi cáo bệnh để nhập thất tĩnh dưỡng sau khi gợi ý vị này xuống gặp lão Câm. Được khác hỏi về các truyền thống kinh điển để xem đâu là pháp nhũ Phật thân, lão Câm cười bằng mắt:

- Lời Phật xưa là tiếng nói đi ra từ sự thể nghiệm chứ không phải tưởng tượng, và vì nhắm thẳng kẻ hữu duyên nên gãy gọn và thâm hậu như những tâm ấn xuyên thấu lòng người. người hậu học hôm nay nếu có thiện duyên vẫn có thể nhận được những huyền nghĩa đó. Thế Tôn biết chỗ phải đến là đâu nên tuyệt chẳng cần chi thứ ngôn phong lý luận khoe mẽ của loài mọt sách vốn đầy dẫy trong các ngụy thư. Ngữ khi của ngài có cái hùng lực tự nhiên của sấm sét. Xưa nay các làn chớp trên trời chỉ đơn giản một hình rễ cỏ mà uy lực khôn lường. Những trò hí luận của phàm phu chỉ là dấu hiện của những cơn phấn khích trên từng sở đắc cá nhân. Một số kẻ giống người lượm củu tình cờ tìm thấy một hang động ẩn khuất đã thơ ngây nghĩ mình là người duy nhất phát hiện ra cõi riêng mầu nhiệm ấy. Họ nhặt nhạnh, lắp ghép và tô vẽ chút ít rồi tự xem là một thành tựu. Hí luận của phàm phu từ đó lan man sa đà rồi lạm phát nguy hiểm. ngưu tầm ngưu và mã tầm mã, trẻ con ham chơi cứ tìm đến với nhau mà quên chuyện khôn lớn. Chúng tung hê nhau bằng những trò cờ lau tập trận rồi thậm xưng nọ kia là những quân công chiến tích, ngươi danh tướng để ta anh hùng.

- Xin hỏi nếu bỏ đi những gì có vẻ đơm đặt của đời sau thì liệu phần tinh khôi còn lại có quá ít oi chăng?

- Những thứ thiết yếu cho sinh mạng con người có thể chỉ đơn giản vài thứ như cơm nước, rau, trái, nắng gió. Ít chăng? Liệu ta có chịu ăn, chịu thở đúng mức những thứ căn bản đó để nên vóc nên hình hay chưa mà lại đi tìm thêm những linh đơn bí dược để thiên hạ thêm nguy cơ ngộ độc. Trong từng thứ hoa xuân, lá hạ, sương đông vốn đã có đủ đất trời huyền hữu. Ta đã chịu thấm thía hết mình với chừng đó bài học chưa mà lại ham chuyện chuốt lục tô hồng thực tại để mong tìm ra những phương trời lạ chỉ khiến mất thời gian. Nếu mọi sự chỉ là nỗi ngộ nhận riêng mang thì đã là đáng trách, nói chi việc cố ý dối thế gạt người lại càng nặng tội lắm thay. Bi kịch lớn nhất của thời mạt pháp là nhiều mà cứ thiếu, khi thánh hiền xưa ít mà vẫn đủ!

- Xin hỏi liệu đơn giản như thế có thể thích ứng kịp thời với lòng người hôm nay và nên chăng một hình hài mới mẻ cho Phật pháp như là phương tiện hoằng đạo?

- Ảo hóa cả thôi. Và hãy cẩn trọng kẻo bày ra được mà không dẹp được. Phàm phu có làm sao cũng không ra khỏi bàn tay đức Phật. Lời ngài dù chỉ ít như một nắm lá cũng thừa chỗ cho ta nghìn kiếp ruổi dong. Một hơi thở có bi có trí cũng là cánh cửa dẫn vào đất Phật. Chừng đó vẫn chưa đủ chăng? Hai bàn chân bé bỏng của ta có thể cùng lúc đặt lên được bao nhiêu con đường chứ. Thấy trọn vẹn một thứ sẽ gặp gỡ bao nhiêu thứ khác. Muốn nhăng cuội để lập giáo ư? Để làm gì và cho ai? Nhặt vội dăm chiếc lá trong vườn Phật để ghép một bức tranh rồi vung vít mạo nhận mình đã tạo ra một sơn hà riêng biệt liệu có nên chăng? Đó là chưa nói đến những cạm bẫy tàn độc của ai đó muốn gây nên cảnh huynh đệ tương tàn mà đối tượng đầu tiên của họ là những tâm hồn nông nỗi ưa nhãn hiệu. Thỉnh thoảng cũng có người hiểu được sự tình thì cũng vì mặc cảm cá nhân mà đành suốt kiếp đuổi theo mũi lao đã phóng.

- Xin hỏi nếu thêm thắt cái mới là chuyện chẳng nên, thì việc lược bỏ đôi điều truyền thống mà giờ xem ra có chỗ lỗi thời, liệu có nên chăng?

- Lời Phật được dạy bằng Phật trí nên chẳng hề có chỗ thiếu, chỗ thừa để có thể thêm hay bớt. Biết sao gọi là lỗi thời? Tập khí của chúng sinh thời nào cũng thế, như bệnh tật hay đói khát là những thứ vốn chẳng có tuổi tác nên trên căn bản, thuốc men và thực phẩm thời nào cũng thế. Vả chăng, lời Phật chỉ mới chừng ấy năm tháng sao lâu bằng được cốt khí phiền não của phàm phu, mà có thể nói là lỗi thời? Như người thời nay có thể vì hoàn cảnh mà phải sinh hoạt theo thời thế rồi từ đó đôi khi lại thấy Phật pháp có chỗ lỗi thời, cổ hủ. Nhưng chuyện thực không như họ nghĩ. Chẳng hạn một mảnh bạc vụn hay miếng bánh nhỏ cất lại qua đêm vốn chẳng được phép. Luật ấy chừng như có chỗ khắt khe quá đáng. Nhưng ngẫm mà xem, lòng phàm sao tự biết giới hạn. Giữ được chút ít rồi ra có lúc nên cả gia tài. Sa môn khi có sản nghiệp tài vật ai biết được sẽ sinh thêm những chuyện gì. Lên cao một chút, bất luận sở đắc nào khác dù thuộc tinh thần cũng được Phật cảnh báo là bè cỏ qua sông, dẫu đó có là đức hạnh, kiến văn hay thắng trí thiền định, tất thảy đều là của tạm, chẳng được cưu mang tâm đắc. Chỉ một chút bám víu, đạo nghiệp giải thoát còn đâu. Lời Phật kỳ thực chỉ gói gọn trong hai điều giáo hối nên làm và chẳng nên làm. Đã là lầm lỗi biết sao gọi là nhiều, thế nào gọi là ít. Tí lửa cũng đủ cháy rừng. Xét đến như thế thì bàn chi đến chỗ lỗi thời hay cập nhật trong Phật pháp để tha hồ thao túng thêm bớt? Riêng mình có thể vì tội căn mà thối đọa, nhưng tuyệt chẳng nên viện lý rồi công khai uốn nắn lời Phật. Nếu các thế hệ cổ đức ngày xưa đã theo thời mà tùy tiện thêm bớt Phật pháp thì dám hỏi cái gọi là kinh điển nguyên thủy mà ta gặp được hôm nay đã có hình thù ra sao?
Nãy giờ khách cứ tròn mắt nhìn lão Câm, lắng nghe đến như quên thở. Rồi thấy ông bất chợt im lặng không nói nữa, khách sực tỉnh và vẫn ngước nhìn thành kính:

- Lão đáng là bậc long tượng trong chốn tòng lâm nhưng xin hỏi vì sao cứ là một cư sĩ ẩn tích thế này để chúng sinh thiệt thòi tội nghiệp?

Giờ đến phiên lão Cẩm nhìn khách ngạc nhiên một lát, rồi thủng thỉnh đưa tay phủi áo mà trong mắt vẫn như đang có một nụ cười:

- Chắc là kiếp xưa từng có lần phạm tội Ba La Di nên đời này ngại đắp y chăng!

Chủ khách cùng cười lớn một tràng dài. Lá rụng bên hiên. Khách chia tay lão Câm xuống làng, tình cờ gặp bà lão hàng nước ven đường. Thấy khách ra từ miếng rẫy, bà mời một chén nước và hỏi có gặp lão Câm, ông gật đầu. Bà lão ra chiều suy nghĩ:

- Người ngợm gì thật lạ, lão cứ tư mùa lặng thinh như đá núi, ai đối xử ra sao cũng không nói gì. Sống nghèo mọt mình trong góc núi, có lẽ lão buồn quá rồi hóa cuồng chăng?

Khách lắc đầu, mắt nhìn về phía núi:

- Nếu có cuồng thì là ai khác chứ không phải lão Câm đâu bà ạ. Với riêng ta, giữa thời mạt pháp này, người như lão đúng là Vô Vị chân nhân đấy, thưa bà.


Toại Khanh
 

 

BACK

 

Home