ĐỨC PHẬT

“Đức Phật khi từ một chỗ ngồi, hoặc đang đứng hoặc đang ngồi, muốn bước đi ngài luôn luôn dùng chân phải trước. Lòng bàn chân của Đức Thế Tôn rất mềm, có thể dẫm lên cỏ mà không làm cỏ héo. Bàn chân không bao giờ lấm bụi do cấu tạo sinh học. Chỗ nào Đức Thế Tôn đi dầu có gồ ghề lởm chởm cách mấy, đất vô tâm vô tri cũng trở nên bằng phẳng để đón lấy bàn chân của bậc đại giác. Đức Thế Tôn không bao giờ sải chân quá dài hoặc quá ngắn mà luôn vừa phải, để người ta không thấy ngài đi quá chậm để người ta nghĩ ngài muốn ở lại, hoặc không quá nhanh để người ta nghĩ ngài muốn lìa bỏ càng sớm càng tốt. Cặp mắt ngài không láo liên như người bình thường, có cảm giác trong ta bà vũ trụ không có gì đáng để ngài để mắt. Ngài chỉ nhìn về trước tầm khoảng hai mét đủ để biết gì đang ở phía trước mà thôi.

“Khi một vị Chánh đẳng giác thuyết thì người nghe không có biết mệt. Âm thanh, oai lực của vị Chánh đẳng giác khiến cho người nghe say sưa. Đức Thế Tôn không nói phi thời, khi nói ngài biết rõ người ta đang trong tình trạng nào, và điều chỉnh âm lượng vừa đủ với họ. Âm thanh của vị Chánh đẳng giác hội đủ tám chi phần (brahmassara: phạm âm) vang động ngọt ngào, trầm ấm, truyền cảm.

Kẻ nào xưng làm con Phật đệ tử Phật mà sống không chánh niệm là người đó không làm theo lời Phật. Trước thế kỷ thứ sáu, không có tượng Phật. Người Ấn Độ thờ Phật thành đạo bằng cây bồ đề, thờ Phật đản sanh thì có hoàng hậu đưa tay hái hoa. Phật Niết bàn thì có hai cây sa la chính giữa có bệ đá. Họ quá tôn kính Phật, sợ làm không giống thì mang tội.Về sau họ người Hy Lạp làm tượng Phật, vì họ nghĩ làm tượng thần được thì họ làm tượng Phật được. Từ đó mới có tượng Phật.

Có người đến hỏi một vị A-la-hán tại sao không làm tượng Phật, vị A-la-hán trả lời thế này: Phật trí tuệ, ai ngài cũng thương, cái gì ngài cũng biết, đức lành nào ngài cũng có và lúc nào ngài cũng chánh niệm, không có ai có thể làm tượng đầy đủ đức tính đó của Đức Phật. Nên chỉ có một cách để nhìn thấy Đức Phật là nhìn đệ tử Đức Phật. Nhìn người nào chánh niệm thì biết Đức Phật chánh niệm hơn người đó, nhìn người nào từ bi thì biết Đức Phật từ bi hơn người đó, nhìn người nào kham nhẫn thì biết Đức Phật kham nhẫn hơn người đó, nhìn người nào trí tuệ thì phải nhớ Đức Phật trí tuệ hơn người đó, nghĩa là tạc tượng Đức Phật bằng cách tu theo Phật, người ta sẽ quan sát những người tu ấy mà người ta tưởng Phật đẹp hơn là làm cái tượng chết.

Người sống chánh niệm là người đang vẽ lại Đức Phật, đang tạc lại chân dung Đức Phật. Khi chúng ta sống bằng thiện tâm, sống bằng từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, hành xả nghĩa là mình đang làm theo lời Phật mình đang tạc tượng Đức Phật. (Diem Tuyet, tổng hợp từ bài giảng của sư Giác Nguyên)  

 

 

BACK

 

Home