Quá Trình Hình
Thành Đại Tạng Kinh Chữ Hán
Định Huệ
Lịch sử hình thành Đại
Tạng Kinh chữ Hán là một thành phần trọng yếu kết thành lịch sử Phật
Giáo Trung Quốc Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường, Ngũ
Đại. Mỗi thời kỳ trong quá trình hình thành Đại Tạng Kinh từng giai đoạn
phát triển Phật Giáo Trung Quốc. Do đó, muốn tìm hiểu về Phật Giáo Trung
Quốc, không thể bỏ qua công tác nghiên cứu lịch sử hình thành Đại Tạng
Kinh chữ Hán.
Đại Tạng Kinh chữ Hán là một bộ tổng vựng các kinh sách Phật Giáo, nhưng
bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: triết học, lịch sử, ngôn ngữ, văn học,
nghệ thuật, lịch toán, y dược, thiên văn... Đây là một kết tinh của văn
hóa Trung Quốc và văn hóa nước ngoài có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát
triển của văn hóa thế giới. Đại Tạng Kinh là một tư liệu không thể thiếu
nếu chúng ta ngày nay muốn nghiên cứu về văn hóa thế giới.
Đại Tạng Kinh chữ Hán, lúc đầu được gọi là "Chúng Kinh", "Nhất Thiết
Kinh", về sau được gọi là "Kinh Tạng", "Tạng Kinh" hoặc "Đại Tạng", gọi
tắt là "Tạng". Danh từ Đại Tạng Kinh chính thức xuất hiện vào cuối đời
Nam Bắc triều hoặc đầu đời Tùy (581). Đại Tạng Kinh chữ Hán gồm 2 bộ
phận lớn là Kinh-Luật-Luận Phật Giáo được phiên dịch sang Hán văn và các
tác phẩm do người Trung Quốc trứ tác. Nguyên ngữ của phần phiên dịch rất
phức tạp, bao gồm các kinh điển phiên dịch từ Phạn văn, Tạng văn, Pali
ngữ, các ngữ ngôn cả một dải đất vùng Trung Á. Về nội dung rất phong
phú, Đại Tạng Kinh bao quát cả Đại Thừa, Tiểu Thừa và Mật Giáo. Phần
soạn thuật đều là các trứ tác Trung Quốc, nội dung rộng rãi gồm các loại
chương sớ giải thích Kinh Luật Luận, sử truyện, các loại luận trứ, địa
chí, mục lục... Đây là tư liệu quý giá để nghiên cứu Phật Giáo Trung
Quốc cho đến lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội Trung Quốc.
Một bộ Đại Tạng Kinh, do ba yếu tố cơ bản cấu thành:
1. Tiêu chuẩn chọn lựa, tức là tuyển chọn kinh sách theo tiêu chuẩn nào
để đưa vào Tạng.
2. Thể hệ kết cấu, tức là dùng hình thức nào để tổ chức một cách hữu cơ
các loại kinh sách để chúng trở thành một chỉnh thể.
3. Tiêu chuẩn ngoại bộ, tức là chọn dùng phương thức nào để phản ánh
được thể hệ kết cấu Đại Tạng Kinh một cách thuận tiện nhất. Nhờ đó,
người đọc có thể tra cứu, quản lý dễ dàng bộ Đại Tạng Kinh.
Vận dụng quan điểm kể trên khảo sát Đại Tạng Kinh chữ Hán, có thể phát
triển Đại Tạng Kinh chữ Hán trải qua thời gian dài gần một nghìn năm từ
đời Lưỡng Hán (65-220) đến cuối đời Đường, Ngũ Đại (895-960) mới dần
hình thành và hoàn thiện. Về hình thức, Đại Tạng Kinh chữ Hán trải qua
hai giai đoạn lớn là tả bản (bản chép tay) và khắc bản, mà lịch sử hình
thành của Đại Tạng Kinh chữ Hán có liên quan chặt chẽ với giai đoạn tả
bản của nó.
Lịch sử hình thành của Đại Tạng Kinh chữ Hán (cũng tức là giai đoạn tả
bản của nó) có thể chia ra làm bốn thời kỳ:
1. Thời kỳ phôi thai: Thời kỳ này bắt đầu từ lúc Phật Giáo mới truyền
vào Trung Quốc (năm 67) đến đời Đông Tấn, ngài Thích Đạo An (312-385)
soạn Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục.
Nhìn từ tổng thể, trong lĩnh vực hình thái ý thức, thời kỳ này Phật Giáo
bị xem đồng với phương thuật thần tiên, về sau trở thành một bộ phận phụ
thuộc Huyền học, chưa đủ sức để hình thành một giáo thuyết độc lập.
Kinh sách Phật Giáo Hán dịch lúc ấy còn trong thời kỳ hỗn độn. Về số
lượng, kinh sách nhà Phật được phiên dịch cũng khá nhiều, nhưng nhìn
chung, vẫn còn trong tình trạng gặp kinh nào dịch kinh ấy, gặp bộ đầy đủ
thì dịch đầy đủ, thiếu thì dịch thiếu, điều này được thấy trong Tổng Lý
Chúng Kinh Mục Lục. Người Trung Quốc đương thời chưa biết hoặc chưa cảm
thấy đến tính tất yếu cần phải dùng Đại Thừa, Tiểu Thừa để phân loại
kinh Phật. Kinh Phật lưu truyền ở các địa phương thời bấy giờ có tính
hạn cuộc trong từng khu vực nhất định, chưa có xuất hiện một bộ Tạng
kinh mang tiêu chuẩn mẫu mực cho cả nước. Tình huống này xảy ra cũng do
cục diện chính trị 16 nước thời Đông Tấn ở Trung Quốc phân lập nhất trí
với trình độ phát triển của Phật Giáo đương thời. Điều đáng chú ý, tại
Trung Quốc, ngài Đạo An là người đầu tiên nêu ra vấn đề "Kinh nghi
ngụy", cho thấy rằng ngài đã tiếp xúc được với vấn đề "Tiêu chuẩn chọn
lựa", là yếu tố cơ bản thứ nhất của sự hình thành Đại Tạng Kinh.
2. Thời kỳ hình thành: Thời kỳ này bắt đầu từ khi ngài Cưu Ma La Thập
(344-413) vào Trung Quốc đến lúc Phí Trường Phòng soạn Lịch Đại Tam Bảo
Kỳ (597).
Ngài Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc truyền dịch học thuyết Trung Quán của
Tổ Long Thọ một cách có hệ thống, mở ra trước mắt các Tăng sĩ Phật Giáo
Trung Quốc một thế giới mới, khiến họ hiểu đúng đắn được Phật Giáo Ấn
Độ. Phật Giáo Trung Quốc bắt đầu tự ý thức trên bước đường phát tiển độc
lập. Từ đó, cũng bắt đầu phát sinh sự cọ xát và xung đột với tư tưởng
Nho, Đạo của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Từ nhận thức sâu sắc đối với Phật Giáo, ngài Huệ Quán (đệ tử ngài La
Thập) đề xuất thuyết "Ngũ thời phán giáo" (1). Từ đó về sau, các học
thuyết về phán giáo đua nhau nổi dậy, mục đích đều muốn đem tư tưởng của
các phái Phật Giáo Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc chỉnh lý thành một
chỉnh thể hữu cơ bao dung lẫn nhau, cốt tiện lợi cho việc truyền bá Phật
Giáo tại Trung Quốc. Sự phán giáo có năng lực thúc đẩy sự thâm nhập và
phát triển của Phật Giáo Trung Quốc, và sự xuất hiện của các học phái
thời Nam Bắc triều (386-581) có quan hệ trọng đại với sự hình thành các
tông phái Phật Giáo thời Tùy (681-617), Đường (618-907). Vì thế phán
giáo là một sự kiện lớn trên lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, đồng thời
thuyết phán giáo cũng quan hệ mật thiết đến vấn đề kết cấu thể hệ, yếu
tố cơ bản thứ hai của sự hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán.
Tác phẩm đầu tiên sử dụng tư tưởng phán giáo để chỉnh lý kinh Phật là
Chúng Kinh Biệt Lục. Sách này hấp thụ tư tưởng "Ngũ thời phán giáo" của
Huệ Quán, thiết lập các điều mục phân Tam Thừa Thông Giáo Lục, Tam Thừa
Trung Đại Thừa Lục, Tiểu Thừa Kinh Lục, Đại Tiểu Thừa Bất Phán Lục, làm
bước đầu hữu ích đối với việc nên dùng loại thể hệ kết cấu nào chỉnh lý
Phật điển. Về sau, có nhiều loại kinh lục cùng mang một nhan đề Chúng
Kinh Mục Lục của nhiều tác giả khác nhau biên soạn như: Lý Quách (soạn
năm 511), Bảo Xướng (soạn năm 18), Pháp Thượng (495-580), Pháp Kinh (đời
Tùy 581-617) phản ánh nỗ lực của các vị sư tăng Trung Quốc không ngừng
tiến hành chỉnh lý, giám biệt, an bài, tổ chức kết cấu Đại Tạng Kinh từ
các phương tiện khác nhau. Từ nỗ lực này, cho thấy trình độ phát triển
tổng thể của Phật Giáo Trung Quốc bao quát phán giáo ở bên trong, hình
thức tổ chức của Tạng Kinh Phật Ấn Độ cho đến ảnh hưởng của khoa Mục Lục
học truyền thống của Trung Quốc. Chính nỗ lực kiên trì từ đời này sang
đời khác khiến cho Đại Tạng Kinh chữ Hán rốt cuộc được hình thành.
Trong thời kỳ này còn có một nhân tố trọng yếu nữa thúc đẩy quá trình
hình thành Đại Tạng Kinh, đó là ảnh hưởng của tư trào "Tam Bảo". Phật
Giáo truyền thống cho rằng Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) là nhân tố ắt có
và đủ tạo nên Phật Giáo, do đó Tam Bảo trở thành đối tượng sùng bái của
tín đồ Phật Giáo. Kinh Phật là thể hiện của Pháp bảo, đương nhiên cũng
được sùng bái. Quần chúng tín ngưỡng Phật Giáo lấy việc sám hối, tạo
công đức làm chính, sao chép, đọc tụng, cúng dường kinh Phật cũng là nội
dung trọng yếu của hoạt động tôn giáo hằng ngày của họ. Trong các kinh
điển không ít có nội dung tuyên dương công đức đạt được do sao chép, đọc
tụng, cúng dường kinh điển hẳn có tác dụng đối với hoạt động sùng bái
kinh Phật mang tính quần chúng này. Ngụy kinh "Cao Vương Quán Thế Âm
Kinh", Đôn Hoàng di thư "Đại Phật Danh Kinh" là tư liệu chứng minh hoạt
động sùng bái kinh điển. Một tư trào xã hội xuất hiện tất nhiên có ảnh
hưởng lớn đến các hiện tượng xã hội, điều đó hầu như là một quy luật. Do
đó, tư trào Tam Bảo lưu hành tất nhiên đã thúc đẩy quá trình hình thành
Đại Tạng Kinh chữ Hán.
Một nguyên nhân trọng yếu khác đưa tới việc hình thành Đại Tạng Kinh chữ
Hán là truyền thống văn hóa Trung Quốc xem trọng cả vô công lẫn văn trị.
Từ xưa đến nay đều chú trọng đến sự thừa kế văn hóa và chỉnh lý sách vở
của thời trước, mà sự hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán chính là phản ánh
ý thức văn hóa dân tộc; đây là điểm trái ngược với Phật Giáo Ấn Độ. Dân
tộc Ấn tuy có lý tưởng Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng đất nước Ấn Độ
chưa từng có một lần thống nhất, ý thức tôn giáo của dân tộc Ấn Độ tuy
trên ký luận có thuyết Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng, nhưng trên thực tế
không có xuất hiện một tổng vựng kinh sách mang tính chuẩn mực là Đại
Tạng Kinh, mà chỉ là kinh điển của mỗi tông phái tự truyền cho nhau.
Cột mốc kết thúc thời kỳ này là tác phẩm Lịch Đại Tam Bảo Ký (Phí Trường
Phòng soạn vào đời Tùy). Qua nhan đề của sách này, cho thấy tác phẩm đã
chịu ảnh hưởng trực tiếp tư trào "Tam Bảo". Có người phê bình tác phẩm
này không hợp với thể lệ kinh lục, thậm chí còn xem xét kỳ đến bối cảnh
xã hội lịch sử khi biên soạn tác phẩm này. Đây là tác phẩm đầu tiên khai
sáng "nhập tạng lục", vì thế bất luận về mặt thực tế hay lý luận, Đại
Tạng Kinh chữ Hán lúc ấy hiển nhiên đã được hình thành, và danh từ Đại
Tạng Kinh xuất hiện vào đời Tùy hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu
nhiên.
3. Thời kỳ thể hệ kết cấu: Thời kỳ này bắt đầu từ sau Lịch Đại Tam Bảo
(597) đến Khai Nguyên Thích Giáo Dục (730) do ngài Trí Thăng soạn.
Thời kỳ này các vị sư tăng nối tiếp nhau biên tập các kinh lục, từ các
gốc độ khác nhau, các ngài tìm cách xếp đặt thể hệ kết cấu Đại Tạng
Kinh. Nhưng nổi bật nhất là Khai Nguyên Lục, ngài Trí Thăng trên phương
diện thể hệ kết cấu nhất của văn hiến Phật Giáo Trung Quốc cổ đại.
Theo sự phát triển không ngừng của Đại Tạng Kinh, do có yêu cầu tập hợp
thành pho, nên vấn đề "ngoại bột tiêu chí" được đưa ra bàn bạc. Thời kỳ
trước đã xuất hiện phương pháp "Kinh danh tiêu chí", thời kỳ này diễn
hoá thành phương pháp "Kinh danh trật liệu". Hai phương pháp này cùng
với phương pháp "Định cách trữ tồn" phối hợp với nhau thành ra phương
pháp chủ yếu quản lý Đại Tạng Kinh của thời kỳ này.
Thời kỳ này, cao tăng Trung Quốc tiến sâu vào công tác nghiên cứu kinh
điển Hán dịch và tư tưởng Phật học, các ngài biên soạn nhiều tác phẩm
làm nền tảng cho các tông phái Phật Giáo Trung Quốc ra đời. Ngoài ra,
còn xuất hiện một số lớn các tác phẩm như sử truyện, lễ sám, mục lục, âm
nghĩa, sao tập và các tác phẩm phản ánh tín ngưỡng Phật Giáo bình dân.
Các trứ tác do Trung Quốc biên soạn này, có một số được đưa vào Đại Tạng
Kinh, nhưng phần nhiều lại bị các sư tăng biên tập kinh lục Đại Tạng
Kinh loại bỏ ra ngoài, mặc cho chúng tự mai một. Thời kỳ này, Đại Tạng
Kinh chữ Hán chủ yếu thu nạp các kinh sách phiên dịch. Do đó, nếu nói
trong hai giai đoạn trước, trình độ phát triển của Đại Tạng Kinh chữ Hán
ngang tầm với trình độ phát triển của Phật Giáo Trung Quốc, thì bắt đầu
tư giai đoạn này, Đại Tạng Kinh chữ Hán chính thống (Chính Tạng) có xu
hướng xơ cứng, chưa phản ánh thực sự tiến trình phát triển của Phật Giáo
Trung Quốc. Để bổ túc cho sự thiếu sót này, thời kỳ này có "Biệt Tạng"
chuyên tập hợp các trứ tác Phật Giáo Trung Quốc, như Luật Tông Tự Biên
Tập Tỳ Ni Tạng.
4. Thời kỳ toàn quốc thống nhất hoá: Thời kỳ này bắt đầu từ Khai Nguyên
Lục (730) đến đời Ngũ Đại (895-960).
Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc thời kỳ này có một sự kiện trong đại là
"Hội Xương phế Phật" (846-847). Lấy "Hội Xương phế Phật" làm bản lề,
trước sau có thể chia làm hai giai đoạn. Trước "Hội Xương phế Phật", về
cơ bản, Đại Tạng Kinh phát triển trong trạng thái bình ổn, quy mô của
Chính Tạng và Biệt Tạng đều không ngừng mở rộng. Nhìn từ tổng thể, hình
thái của Đại Tạng Kinh chữ Hán thời kỳ này đã nhân sự bất đồng về địa
khu, tự viện, tông phái mà có sự sai khác và không thống nhất. Ngoài ra,
cũng do sự phát triển của các tông phái mà có sự sai khác và không thống
nhất. Ngoài ra, cũng do sự phát triển của các thư tịch mang tính tông
phái như: Tỳ Ni Tạng, Thiền Tạng, Thiên Thai Giáo Điển...
Thời "Hội Xương phế Phật", Phật Giáo bị đã kích nặng nề, kinh sách của
hầu hết các địa khu trong toàn quốc đều bị thiêu hủy. Sau cơn sóng dữ
"phế Phật" qua đi, Phật Giáo dần dần khôi phục, tự viện mình. Trên mặt
khách quan, điều này khiến cho Đại Tạng Kinh ở các nơi trong toàn quốc
dần dần có xu hướng thống nhất.
Về phương diện "Ngoại bộ tiêu chí", thời kỳ này tuần tự xuất hiện các
loại "Vận văn trật hiệu" lưu truyền ở vùng Đôn Hoàng, và "Thiên tự văn
trật hiệu". Do ưu điểm của phương pháp "Thiên tự văn trật hiệu" mà nó
được dùng thay thế các phương pháp tiêu chí trước kia là "Kinh Đại Tạng
Kinh thống nhất mang tính toàn quốc mà truyền bá rộng rãi. Từ "Khai Bảo
Tạng" về sau, các bản Đại Tạng Kinh Trung Quốc khắc bản đều theo phương
pháp tiêu chí này.
Từ thời Bắc Thống về sau, các bản khắc Đại Tạng Kinh chữ Hán: Khai Bảo
Tạng, Khiết Đan Tạng, Tỳ Lô Tạng, Sùng Ninh Tạng lần lượt ra đời. Ưu thế
của Đại Tạng Kinh khắc bản thay thế tả bản và trở thành bản lưu thông
chủ yếu. Từ đây, Đại Tạng Kinh chữ Hán cũng tiến vào một giai đoạn lịch
sử mới.
Lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán là một thành phần trọng yếu kết
thành lịch sử Phật Giáo Trung Quốc Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều,
Tùy, Đường, Ngũ Đại. Mỗi thời kỳ trong quá trình hình thành Đại Tạng
Kinh từng giai đoạn phát triển Phật Giáo Trung Quốc. Do đó, muốn tìm
hiểu về Phật Giáo Trung Quốc, không thể bỏ qua công tác nghiên cứu lịch
sử hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán.
(Soạn dịch từ Phật Giáo Điển Tịch Bách Vấn của Phương Quảng Xương)
(Nguồn:
namtong.org)