Phật ngôn: Dukkhūpanisā saddhā (Khổ duyên tín)

Tỳ kheo Giác Lộc



Khổ là bản chất của đời sống. Đó là thực tại vô thường bao trùm tất cả thân tâm và ngoại cảnh. Cái gì vô thường thì biến đổi, tiêu hoại, bất toại nguyện. Nhìn thấy khổ ngay trong bản chất vô thường sẽ phát sinh lòng tin vào con đường thoát khổ. Người còn trẻ, đẹp không cho là khổ. Đợi khi nào già, xấu đi mới cho là khổ. Nhưng Bồ tát nhìn thấy bà Da Du Đà La xinh xắn, mỹ miều là hình dạng của bà già tay chân run rẩy và cái chết. Nhìn lại mình, Bồ tát cũng thấy như vậy. Thực tại của khổ là như vậy. Nếu như có người thọ vui, hưởng hạnh phúc. Thời gian sau thọ khổ, phải chịu nhiều khổ cực. Cái thọ khổ này không duyên tín, nhưng duyên ái. Ngay cả lúc thọ vui cũng duyên ái. Bởi vì người này không thấy thực tại vô thường trong các thọ, lúc thọ vui thì tham đắm, lúc thọ khổ thì mong muốn ,mơ tưởng thọ vui.
Thấy khổ, hiểu khổ đúng bản chất, đúng thực tại là duyên cho tín tâm. Hiểu khổ là kinh nghiệm về cái thực tại vô thường bao trùm đời sống. Thông thường người ta cho rằng khổ khi nào trải qua khổ thọ, nhưng nếu trong khổ thọ mà không hiểu cái thực tại vô thường thì chỉ sinh ra ái, lúc đó không hiểu khổ để sinh tín, trái lại còn tăng thêm khổ vì ái là nguồn gốc của khổ.
Phật ngôn diễn tả ý nghĩa của tín tâm:
Saddhīdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ
Tín tâm là tài sản cao quý của con người trong đời này.
Saddhā tarati oghaṃ
Người vượt qua bộc lưu bằng tín tâm
Xem thế, tín tâm là đức tính có vị thế quan trọng trong việc tu tập.
Ví như người trong căn nhà bị cháy, ý thức khẩn cấp lúc đó là chạy ra khỏi nơi đó để bảo tồn sinh mạng.
Căn nhà đang cháy là khổ, ý thức khẩn cấp về tình trạng hiện tại là tín tâm. Thoát ra khỏi cảnh khổ đó là nhờ động lực ban đầu là tín tâm.
Khi nghe Pháp, học Pháp có tín tâm. Từ nơi tín tâm mới có bố thí, cúng dường, trì giới,thiền định.
Tín tâm được định nghĩa là tin tưởng vào Đức Phật. Nơi đây Đức Phật là tối thượng trong nhân thiên. Sự tin tưởng Phật là lòng tin tối thượng. Đức phật không chấp nhận lòng tin mù quáng, nếu một người gần Phật mà không học, không hành thì sẽ bị quở trách.
Tùy theo tín tâm của mỗi người mà có kết quả tạo phước và kết tu tập khác nhau. Tín tâm phải có trí tuệ trợ giúp để tiến xa hơn trên đường thực hành chánh pháp.
Không quên, không lơ là chúng ta đang khổ vì ở trong căn nhà ngũ uẩn đang bốc cháy vì lửa phiền não. Một chút quên mình chúng ta sẽ không có tín vì quên đi cái khổ. Luôn luôn biết mình là tín được củng cố. Phiền não chấm dứt hoặc bớt đi, giải thoát luân hồi hoặc không tái sinh ác đạo là do tín tâm có trí tuệ soi đường.

-ooOo

 

 

 

 

NGHIÊN CỨU PHẬT PHÁP

 

 

Home