TRÁI MÍT XỨ NGƯỜI
Toại Khanh
Hôm rồi từ Pyin
Oo Lwin về Mandalay, trên đường thấy có bán mít nhiều quá, bèn động lòng
trần ghé mua một trái để gọi là không ngược đãi bản thân.
Mười mấy năm xa
xứ, gần trăm phần trăm thức ăn có xuất xứ Á Châu mà tôi ăn được đều là hàng
đông lạnh, chán như yêu nhầm dân đồng tính. Nghĩa là thấy vậy mà không phải
vậy, chẳng đi đến đâu.
Trái mít tôi mua
không tệ, chỉ bị thối một góc nhỏ. Trái mít không to lắm, tôi tiếc của lấy
dao khoét gọn chỗ hư rồi coi như không có gì xảy ra. Ăn hết trái mít, cầm
lên miếng hư vừa cắt bỏ để dọn dẹp, tôi bỗng ngộ ra một điều mà lẽ ra phải
thấy ở thiền viện mới đúng.
Thì ra cái gọi
mùi thơm của trái chín chỉ đơn giản là mùi tử khí của nó ở giai đoạn bắt đầu.
Thêm chút thời gian, sẽ ngửi không vô nữa. Từ trái cây, tôi bỗng dưng nghĩ
đến con người.
Danh tiếng sự
nghiệp chính là tử khí của họ. Bởi hầu như ai lên được đến đỉnh điểm danh
lợi kha khá một chút thì tuổi đời khó mà dưới năm bó. Cứ cho họ thưởng thức
thả dàn cái mình có lúc năm mươi tuổi, thì đến tuổi 70 có ông cụ bà lão nào
còn hơi sức nữa đâu. Đi đứng, ăn uống, âm thanh, hình ảnh gì cũng lạt thếch.
Ngược dòng thời
gian một chút, một em bé thơ ngây bỗng dưng biết buồn ngẩn ngơ, biết ngồi
một mình tư lự, biết tự động cư xử phải phép với người chung quanh, nghĩa là
em đang lớn, đang trưởng thành để giã biệt tuổi mộng, giai đoạn đẹp nhất
trong một đời người. Tôi muốn gọi sự dậy thì đó của em là một thứ tử khí.
Bởi em đang chuẩn bị làm cha mẹ, chuẩn bị dấn thân để từng ngày trong hai
mươi năm tiếp theo bước vào tuổi trung niên. Nghe buồn lắm phải không ?
Nhưng chẳng lẽ em muốn mình cứ mãi hoài là một em bé, một cô cậu hồn nhiên
và không bao giờ có thêm một thay đổi nào khác ? Không, em phải đi tới, vạn
vật phải chuyển động để tồn tại. Dù đó là những bước chân đi về cõi chết.
Nhan sắc chín
muồi của một thiếu nữ, sự chững chạc của một thanh niên, rồi thì giai đoạn
hồi xuân của tuổi trung niên, sự già dặn của một người đứng tuổi, theo tôi
đều là tử khí. Nói trừu tượng một chút thì kiến thức, kinh nghiệm, và mọi
thứ ta có được đều là tử khí. Chúng càng nhiều thì tử khí càng mạnh, càng
nồng. Hồi bé không có, bây giờ lại có, rõ ràng chúng là biển báo cho biết ta
đang sắp đến chỗ cuối đường của hành trình dâu bể.
Nhớ lại mấy hôm
đi tìm chỗ trọ học ở các chùa Miến Điện, nhìn lên di ảnh của các vị sayadaw
đã mất được treo trên tường, tôi từng ngậm ngùi một nỗi riêng. Hồi nào còn
trẻ, chắc chắn các vị cũng từng phải bôn ba trầy trật như tôi bây giờ. Đến
khi thỏa được nguyện lớn, dự hàng long tượng tăng- già, thậm chí ngồi chiếu
trên của bậc quần long chi thủ, thì tóc bạc da mồi, buông hết mà đi. Nếu
nguyện xưa chưa dứt, biết đâu hôm nay các vị lại tiếp tục là những tiểu sa-
di gầy gò thiếu ăn ở một chùa quê hẻo lánh nào đó để làm lại từ đầu mọi thứ.
Đại khái, trái
ngã màu nhìn ngon mắt hơn và bắt đầu thơm thì coi như đang chuẩn bị về đất.
Người có được chút gì để gọi là sự nghiệp thi coi như đang sắp xuôi tay. Ai
lại không hiểu được chuyện này, nhưng mỗi người một cách nghĩ. Có kẻ không
đành lòng bỏ lại thứ đang có, có kẻ ngán cảnh làm lại từ đầu, có người thì
tới đâu hay tới đó.
Viết đến chỗ này,
tôi chợt nhớ đến danh từ Hoa ngữ được dùng để gọi trái mít là Ba La Mật. Cái
tên gọi đó có vẻ như được vay mượn từ một ngôn ngữ khác, nhưng thú vị ở chỗ
nghe giống như một thuật ngữ Phật học. Ở tuổi này, tôi bỗng một ngày ngộ ra
được một vấn đề tu học thú vị từ trái mít, trái mít xứ người, coi như chút
Ba La Mật của một ngày lưu lạc ven trời.
Toại Khanh