Những giọt thủy ngân
Toại
Khanh
Nghe
đài, xem báo để rồi hay tin miền Trung Việt Nam đang chìm trong giông
bão. Cơn bão Xangxane tràn vào Đà Nẵng, miền đất yêu thương một thời của
tôi. Tôi thấy giọt nắng đầu đời ở miền Nam, nhưng biết giọt lệ đầu tiên
ở Đà Nẵng. Nghe người đau để thấy lòng xót.
Tôi lục tung cả đống giấy tờ để tìm lại số điện thoại của
mấy người quen ở Đà Nẵng, để gọi về hỏi thăm những Phật tử quen biết
ngày trước. Như một nhân duyên, số điện thoại của Trâm hiện ra với ba
con số 051 của Đà Nẵng và bên cạnh chỉ là một chữ Trâm viết vội. Tiếng
Trâm ở đầu dây bên kia, như muốn lạc trong mưa bão. Cô đã có chồng và
một đứa con trai đầu lòng. Tôi đang hỏi thăm về từng người quen thì bỗng
nghe một tiếng động gì đó mơ hồ và rồi giọng con nít khóc. Tôi đoán là
thằng bé con của Trâm. Tôi hỏi trong nụ cười: vừa đánh nó à? Trâm cũng
cười: Nó quậy quá Sư ơi, làm bể cái ống thủy rồi. Rồi thật bất ngờ, Trâm
hỏi tôi: Sư có còn nhớ cái ống thủy bị bể trên chùa hồi đó không? Tôi
thở dài: Sao lại không nhớ chứ!
Năm 1996, tôi ra Đà Nẵng và bị sốt li bì. Trâm đến thăm
rồi thì thang thuốc lung tung. Chiều hôm đó loay hoay thế nào, tôi làm
rớt chiếc ống thủy trên nền gạch, gãy đôi. Nhìn mấy giọt thủy ngân tung
tóe trên sàn, Trâm lấy chiếc que khều nhẹ để lùa chúng gom lại với nhau
thành một. Nhìn Trâm hồn nhiên, tôi chợt nghĩ đến một chuyện và cười một
mình. Trâm hỏi, tôi nói bâng quơ: Có trôi nổi bao nhiêu cũng đừng đánh
mất bản chất và không bao giờ lai tạp những thứ không thích đáng. Không
biết Trâm có hiểu gì không, chỉ thấy cô nhìn xuống đất đăm chiêu.
Rồi thì hai năm sau tôi xa xứ. Quê người có những nhân
duyên bất ngờ, tôi tiếp tục trôi dạt về Florida, một tiểu bang sát biển.
Cái lạ lùng là câu chuyện về cái ống thủy bể không ngờ đã trở thành vận
mệnh của tôi. Rõ ràng tôi đã là một giọt thủy ngân mồ côi và những cuộc
hạnh ngộ trong đời tôi cũng hệt như cuộc gặp gỡ của những giọt thủy
ngân. Hai năm trước tôi có chuyện về Houston và đến thăm Thầy
Kavindasiri người Miến Điện sống trong một căn hộ Apartment gần chợ Hồng
Kông. Gọi lén là Thầy nhưng về tuổi đời, tuổi đạo và cả kiến thức Phật
học thầy Kavindasiri đáng là sư phụ của tôi. Biết tôi cũng sống một
mình, thầy nói một câu thiệt ngộ:”Đôi khi phân tán (scattering) cũng là
một cách mở rông (spreading). Cái quan trọng là đừng bao giờ mất liên
lạc với những người bạn lành. Được vậy thì ở đâu cũng thế thôi”
Hôm chia tay thầy Kavindasiri ở chân cầu thang, tôi lại
bất ngờ nghe nhớ Đà Nẵng quá chừng. Tôi vừa nhớ lại câu chuyện cái ống
thủy bể với mấy giọt thủy ngân. Tôi với vài tâm hồn đồng điệu cũng giống
những giọt thủy ngân. Vì bản chất tương đồng mới có thể dẫn tới sự tương
hợp. Muốn gặp được thánh hiền ba đời, mỗi người phải dọn lòng theo cách
thánh hiền đã dạy. Mưa rơi xuống đời không phân biệt nơi chốn, nhưng
không phải ở đâu cũng nhận được những lợi lạc từ những cơn mưa. Hãy dọn
lòng như dọn đất để sẵn sàng đón mưa về. Hãy là một giọt thủy ngân để
kết hợp với thủy ngân. Lưu lạc mấy rồi cũng tao ngộ.
Cơn bão Xangxane thổi tung đất trời Đà Nẵng, nhưng cũng
đã đưa tôi về lại với giọt thủy ngân ngày cũ. Bên Mỹ thiên hạ bây giờ có
lẽ hiếm người dùng lại thứ nhiệt kế cũ xì mà ngày xưa chúng tôi đã dùng.
Họ dùng nhiệt kế chạy pin, nên không biết thủy ngân là gì. Lòng người từ
đó cũng ly tán. Ở đời nhiều lúc chuyện chẳng có gì nhưng ngẫm kỹ thì
chẳng gì là vô nghĩa. Dù đó chỉ là mấy giọt thủy ngân.
Toại
Khanh