HÃY QUAN SÁT NHƯNG ĐỪNG SO ĐO

Sư Giác Nguyên (giảng)

Thấy một người hành khất trưa nắng đứng nơi ngã tư đèn xanh đèn đỏ, quí vị cho họ một ít tiền rồi đi, lòng quí vị thanh thản. Nhưng nếu người mà quí vị cho tiền là người thân thì lại là chuyện khác. Quí vị sẽ suy nghĩ, cho xong rồi không biết chiều nay họ có đủ ăn buổi chiều hay không, rồi bắt đầu toan tính những chuyện khác.

Cũng là tình, nhưng đối với người thân thì cái tình đó làm cho mình khổ hơn. Vì sao? Vì bên cạnh cái thương, cái từ bi còn có cái ái luyến nữa. Trên đời này cái gì mà mình nắm chặt nó thì nó sẽ làm mình đau khổ. Trong đạo Phật phân biệt rất là rõ trách nhiệm và gánh nặng. Trách nhiệm là mình nên làm, gánh nặng là mình phải vác. Vì vậy Đức Phật chủ trương sống yêu thương nhưng không có nắm giữ, quan sát nhưng không so đo. Khi đi, tôi phải nhìn phía trước, xem nơi đó là vũng nước, là gai, là cỏ, là hòn đá, hay lối đi trống trải. Tôi phải quan sát để tôi đi nhưng tôi không so đo tại sao hôm nay dắt tôi đến đây, sao chỗ này xấu quá dơ quá vậy v.v... Tôi quan sát để tôi đi không bị dính sình, không bị té. Tôi không trách tại sao con đường có nhiều gai cỏ. Tôi không trách tại sao ông đó, bà đó khó ưa mà tôi chỉ quan tâm đến một chuyện thôi là chiều nay tôi sẽ đến đó bằng con đường nào, bằng cách nào, đó mới là chuyện quan trọng.

Trong đời sống, chỉ nên quan sát thôi, khi chúng ta có ý so đo là bắt đầu khổ rồi. Những cái làm cho mình khổ thường là những cái làm cho mình thương hơn là mình ghét. Hãy sống yêu thương nhưng mà đừng nắm bắt, hãy quan sát nhưng đừng có so đo. Trách nhiệm không phải là gánh nặng, chuyện phải lo thì lo, đừng để nó đè nặng tâm mình. (Nhị Tường ghi)

 

 

 

 

BACK

 

Home