Tâm Bồ-đề, Bodhicitta, trong đạo Phật cũng còn có nghĩa
là một tâm hoàn toàn rộng mở. “Citta” có nghĩa là tâm, và “bodhi” có
nghĩa là giác ngộ.
Con đường phát triển tâm Bồ-đề là một hành trình cá nhân
của mỗi chúng ta. Con đường ấy cũng chính là cuộc đời mà ta đang có, một
hành trình trên con đường giác ngộ. Nhưng giác ngộ không phải là những
gì ta đạt được sau khi nghe những lời hướng dẫn và thực hành đúng. Thật
ra, trong vấn đề giác ngộ ta không thể nào “thực hành đúng”!
Trên hành trình ấy, ta đi về một hướng mà mình không biết
rõ, và nơi đó ta cũng không thể xác định chắc chắn. Chúng ta chỉ biết
tập cho mình có một cái nhìn mới, biết cảm nhận thực tại một cách cởi mở
và uyển chuyển hơn. Phát triển tâm bồ-đề là một phương cách giúp ta thực
hiện được điều ấy. Và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tiếp xúc trực
tiếp với những gì đang có mặt, bằng cách nhận diện những cảm xúc của
mình.
Tâm Bồ-đề thường có mặt những khi ta cảm thấy an tĩnh và
hạnh phúc, khi ta biết thương yêu, dù bất cứ dưới một hình thái nào.
Trong mỗi giây phút an lạc là tâm bồ-đề có mặt. Và nếu ta biết nhận diện
và trân quý những giây phút ấy, cho dù nó có ngắn ngủi hoặc mỏng manh
đến đâu, tâm thương yêu cũng sẽ từ từ nới rộng ra theo thời gian. Khả
năng thương yêu của ta có một năng lượng rất lớn, nếu biết nuôi dưỡng và
tưới tẩm, nó sẽ lớn rộng ra đến vô cùng tận.
Và tâm bồ-đề không chỉ hiện hữu khi ta cảm thấy an tĩnh
mà thôi, thật ra nó cũng có mặt trong những lúc ta cảm thấy tức giận,
ghen ghét, ganh tỵ hoặc trong những lúc bất mãn sâu xa. Ngay giữa những
cảm xúc tiêu cực và đau đớn nhất, ta cũng vẫn có thể tiếp xúc được với
tâm bồ-đề của mình, nếu ta biết tiếp nhận chúng với một con tim rộng mở
và ý thức rằng đó là một khổ đau chung. Chúng ta đều cùng chia sẻ với
nhau một nỗi khó khăn ấy, khổ đau này không phải là của riêng ai.
Ngay giữa một hoàn cảnh khốn khó nhất, ta vẫn có thể nghĩ
đến những người đang cùng một cảnh ngộ như mình, và cầu mong cho tất cả
được an vui, được thoát ra khỏi khổ đau. Và mỗi khi ta tiếp xúc với cảm
xúc ấy, những bức tường chia cách giữa ta và người chung quanh sẽ tự
động tan biến mất.
Trên đảo Cape Breton, nơi tôi ở tại Nova Scotia, vào mùa
đông những mặt hồ đều bị đông cứng. Nó cứng chắc đến nỗi người ta có thể
lái xe hơi hay xe tải chạy lên trên đó. Nhà phát minh ra điện thoại là
ôngAlexander Graham Bell khi xưa cũng đã cất cánh phi cơ của ông trên
mặt hồ ấy. Nó đông cứng đến như vậy. Và tôi liên tưởng đến những thói
quen, tập quán của chúng ta, dường như chúng cũng đông đặc giống như mặt
nước đá ấy. Nhưng khi mùa xuân đến, những tảng băng đá đó sẽ tan chảy.
Tính chất của nước muôn đời vẫn vậy, chưa bao giờ bị hư hao hoặc mất đi,
cho dù là đang ở giữa một mùa đông dài vô tận. Nó chỉ thay đổi hình
tướng mà thôi. Và khi tảng băng tan ra, tính chất mầu nhiệm nuôi dưỡng
sự sống của nước lại có mặt.
Bản chất bao dung và rộng mở của một tâm bồ-đề cũng tương
tự như thế. Nó bao giờ cũng có mặt nơi này, cho dù lúc ấy ta có cảm
tưởng như tình thương của mình hoàn toàn bị khô cằn hoặc chai đá, dường
như mình có thể đáp được cả một chiếc phi cơ lên trên ấy!
Những khi tôi cảm thấy tâm hồn mình như đang ở giữa một
mùa đông dài tăm tối, và dường như không gì có thể làm cho nó tan chảy
được, tôi chợt nhớ lại hình ảnh này và biết rằng, cho dù tảng băng có
đông cứng đến đâu, dòng nước thương yêu vẫn không hề bị khô cạn hay mất
đi. Nó lúc nào cũng hiện hữu. Và trong những giây phút ấy, tôi ý thức
được tâm bồ-đề của mình vẫn đang có mặt, dầu là trong một dạng đông cứng
và bất động.
Tôi biết rằng, mình có thể làm tan chảy trạng thái đông
đặc ấy bằng hơi ấm của tâm từ. Và phương cách hay nhất là ta hãy tưởng
nhớ đến một người nào mình thương mến, thân thiết hoặc biết ơn. Có nghĩa
là ta khơi dậy năng lượng ấm áp đang sẵn có trong ta. Nếu như ta không
nghĩ ra được một người nào thì ta có thể nghĩ đến một hoàn cảnh nào đó,
hoặc một loại hoa lá nào mà ta ưa thích chẳng hạn. Đạo sư Trungpa
Rinpochethường nói: “Tất cả mọi người, ai cũng có ưa thích một cái gì đó.
Cho dù đó có thể chỉ là một ổ bánh mì.” Ý ông muốn nói, ta hãy tiếp xúc
với niềm vui sẵn có trong ta và nuôi dưỡng nó.
Hãy nghĩ đến một người hay một hoàn cảnh nào có thể tự
động khơi dậy tâm từ trong ta. Tâm từ là ý muốn đem niềm vui đến cho
người khác và giúp họ vơi bớt khổ đau. Đó không phải là lòng thương hại
hoặc một thứ tình cảm máy móc, nhưng được phát xuất từ cảm nhận rằng tất
cả chúng ta đều cùng chung một hoàn cảnh như nhau.
Tâm từ là một mối quan hệ bình đẳng. Vì vậy, những khi
nào cảm thấy như mình bị đông cứng, bạn hãy tiếp xúc với tình thương ấy
đang sẵn có trong ta – cảm xúc đối với người nghèo khó, đớn đau vì bệnh
tật, với những người thân, hoặc với bất cứ ai ở nơi nào – hãy để cho
điều đó làm tan chảy những tảng băng đông cứng và mở rộng con tim mình
ra.
Tình thương cũng giống như những yếu điểm trên một bức
tường thành kiên cố của cái ngã. Và chúng ta nên tấn công vào những chỗ
hở ấy. Nếu ta chỉ tiếp xúc được với tâm từ trong một giây ngắn ngủi thôi,
điều đó cũng sẽ khiến cho khổ đau của ta được mềm ra, và khả năng hạnh
phúc sẽ được tăng trưởng thêm một chút. Và ngay trong giây phút ấy ta
tiếp xúc được với tâm bồ-đề.
Khi tôi còn nhỏ, tôi có xem những truyện tranh về một
nhân vật tên là Popeye. Bình thường thì ông ta rất yếu ớt, và có nhiều
khi bị người khác hiếp đáp, đe doạ. Những lúc ấy ông ta lấy hộp rau
spinach ra và nuốt trọn hết. Ông chỉ cần mở nắp hộp ra và đổ hết vào
miệng rồi, đùng một cái, ông trở thành một người đầy tự tin và sức mạnh
vô địch để đối phó với bất cứ đối thủ nào.
Khi chúng ta dùng những cảm xúc thương yêu để tiếp xúc
với tâm bồ-đề thì việc ấy cũng xảy ra với chính ta! Tâm bồ đề cũng giống
như rau spinach của tâm linh vậy. Nhưng xin các bạn đừng nói lại với ai
là tôi đã ví dụ như vậy nhé!