NHÀ CẦU CỦA BỤT (SETSUCHIN JÔBUTSU, 1929) (1)

 Kawabata Yasunari (1899-1972)

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng Arashiyama (2) vào độ xuân về.

Các bà mệnh phụ ở thành phố Kyôto, những cô tiểu thư, các nàng geisha xóm hương phấn, mấy cô gái trẻ... đều chưng diện quần áo đẹp đi xem hội anh đào.

-Xin phép làm phiền ông bà. Chúng tôi có thể dùng chỗ rửa tay ở đây không ạ?

Họ đỏ mặt thẹn thùa, cúi đầu hỏi thăm trước cửa những căn nhà nông dân lụp xụp. Quành ra đằng sau thì thấy chỗ để làm cái chuyện riêng tư ấy chỉ là một nơi được che bằng một cái mành lác cũ và ố bẩn mà mỗi lần gió thổi tung, da thịt của những người con gái kinh đô phải lạnh se. Lại còn nghe đâu đây có tiếng trẻ con khóc oa, oa nữa.

Cảm thương cho tình cảnh của những người con gái kinh đô, một anh nhà quê bèn nẩy ra ý định cất cho họ một cái nhà cầu giản dị nhưng tươm tất.

Thế rồi, anh ta dựng một tấm bảng có viết bằng mực đen: "Cho mướn nhà cầu, một lần giá 3 mon". Vào dịp xem hoa, người ta chen chúc rợp đường sá nên anh chàng trúng mánh, chẳng mấy lúc đã giàu to.

-Dạo sau này, Hachihei nhờ cho mướn nhà cầu mà kiếm bộn bạc. Tôi cũng định dựng lên một cái như vậy vào mùa xuân này để đánh bại hắn mới được. Bà mầy nghĩ sao?

Thèm thuồng địa vị của Hachihei, một anh khác tên Matsukata mới ngỏ lời với vợ mình như vậy.

-Ông tính như vậy là không xong rồi. Cho dù ông mở thêm một cái nhà cầu nhưng phía bác Hachihei người ta kinh doanh từ lâu, khách đã có sẵn. Mình chỉ là tiệm mới mở. Nếu làm ăn không chạy chắc vợ chồng mình sạt nghiệp mất.

-Bà nói sao mà kỳ cục. Cái nhà cầu tôi định làm không phải bẩn thỉu như nhà cầu của Hachihei đâu. Nghe nói dạo này ở trên Kyôto, người ta đang sính Trà Đạo nên tôi muốn cất một cái nhà cầu theo kiểu trà thất ấy mà. Trước tiên là từ bốn cây cột chính. Nhân vì gỗ Yoshino nguyên con trông bẩn mắt, ta ghép thêm gỗ Kitayama vào. Còn như trần nhà sẽ được lợp cói và đóng đinh, ta lại buông xích sắt để treo ấm nước thay vì dùng giây thừng. Bà mầy thấy có thông minh không? Cửa sổ thì mình đặt nó thấp hơn mặt đất, chỗ để chân làm bằng gỗ cây du, tấm chắn trước bồn cầu với gỗ tuyết tùng phiên Satsuma. Mấy bức vách sẽ được quét lên một lớp sáp ong và ta chọn những thanh gỗ bách dài để làm cửa. Tôi còn lấy vỏ tuyết tùng và cỏ tranh Yamato lợp mái rồi dùng tre, lạt đan vào nhau mà giữ chúng cho chặt. Bậc leo lên phải được làm bằng đá Kuruma. Chung quanh nhà cầu rồi sẽ dựng một hàng giậu trúc và có bồn nước bằng đá cho khách rửa tay (3). Tôi trồng thêm một cây tùng đỏ ở lối vào làm chỗ tiếp đón họ. Bố trí đầy đủ như vậy là nhằm lôi kéo các trường phái trà đạo từ Senke, Enshuu, Uraku cho đến Hayami, tất cả về đấy!

Bà vợ nghe một cách lơ đãng rồi đặt câu hỏi:

-Thế thì ông lấy tiền vào cửa là bao nhiêu, hử ông?

Khổ sở chạy vạy khắp nơi, rốt cuộc ông chồng cũng cất được một cái nhà cầu lịch sự vừa vặn lúc hoa anh đào nở. Tấm biển chào mời thì ông đã xin nhà sư viết mấy chữ đại tự cho giống bên Tàu.

“Đại tuyết ẩn nhất độ bát văn"

(Nhà cầu cho thuê mỗi bận trả 8 mon)

Thế nhưng những người đàn bà kinh đô chỉ đến ngắm nghía và xuýt xoa chứ không dám sử dụng vì nhà cầu quá sang và quá đẹp đối với họ. Mới nhìn thái độ của đám khách, bà vợ đã đập tay xuống mặt chiếu:

-Ông có thấy chưa? Tôi đã bảo mà! Ông dồn cả núi bạc vào đó, giờ tính sao đây?

-Không có gì phải ầm lên cho to chuyện. Ngày mai, nếu tôi đi rảo quanh vùng chào khách thì họ sẽ kéo tới đông như kiến cỏ, sắp hàng mà vào thôi. Bà mầy mai cũng nên dậy sớm, soạn cho tôi một hộp cơm nắm (o-bentô) đi. Tôi chỉ cần đánh một vòng là khách sẽ kéo tới đông như xem hội.

Ông chồng dịu giọng trấn an. Thế nhưng sáng hôm sau, ông ta lại ngủ trưa hơn mọi ngày. Mãi đến tám giờ sáng, ông mới mở mắt, chỉ quấn tấm áo kimono lên cho gọn và đeo hộp cơm vào cổ, xong quay lại nhìn bà vợ với ánh mắt buồn rầu:

-Này má nó ơi! Má nó bảo việc tôi làm là ngốc nghếch, là mơ mộng hão huyền chứ gì. Rồi bà coi. Tôi chỉ cần đi chào hàng một vòng là khách đến ầm ầm. Khi thùng cầu nhà mình đầy ắp thì nhớ treo bảng "Bên trong có người" để tạm đóng cửa và nhờ Jirôbê bên láng giềng nó qua xúc bớt một hai gánh đi cho.

Bà vợ thấy chồng mình sao mà quái lạ.”Đi một vòng”. Có phải ông ta định đi khắp phố phường Kyôto để gào lên: "Nhà cầu cho mướn! Nhà cầu cho mướn!" hay sao nhỉ? Trong khi bà còn đang tự đặt câu hỏi thì có một cô con gái đến ném 8 mon vào hộp đựng tiền rồi chạy nhanh vào nhà cầu. Sau đó khách hàng hết người này đến người kia cứ thi nhau tới. Bà vợ ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt để theo dõi nhưng chả mấy chốc bà đã phải treo bảng "Bên trong có người" để đổ bớt đi. Vừa xong khách lại bu tới rần rần. Đến chiều hôm đó, bà vợ đã thâu được 8 kan (quan) tiền (4) và thay thùng cầu đến năm bận.

-Trời đất ơi! Chẳng lẽ ông xã nhà mình là Đức bồ tát Văn Thù (Monjuu) (5) tái sinh hay sao chứ! Ông ta nói mình nghe cứ tưởng chuyện chiêm bao nhưng lần đầu trong đời mới thấy đó là chuyện có thực.

Mặt mày vui vẻ hẳn, bà bèn đi mua rượu mang về và ngồi đợi chồng nhưng than ôi, cái người ta khiêng vào nhà chỉ là thi thể của ông:

-Chồng bác chết đột ngột trong nhà cầu của Hachihei, chắc vì lên một cơn đau gãy lưng.

Thực ra, buổi sáng khi ông rời nhà, đã bỏ ra ngay món tiền 3 mon để vào ngồi trong nhà cầu của Hachihei và khóa trái lại. Lúc nào có ai định mở cửa thì ông giả dạng ho sù sụ. Ông cứ tiếp tục như vậy suốt một ngày dài đến khản cả họng và cuối buổi chiều xuân dài, ông không còn đứng lên được nữa.

Dân chúng trong thành Kyôto nghe câu chuyện mới bảo nhau:

-Thật tiếc cho con người hào hoa phong nhã như ông!

-Thiên hạ đệ nhất trà nhân là cái ông này!

-Một lối tự tử kiểu cách nhất Nhật Bản!

-Chỉ xây nhà cầu mà thành Bụt. Nam mô A Di Đà Phật.

Không ai mà không tỏ lời khen ngợi.

 

  1. Trong cụm từ Setsuchin Jôbutsu (Tuyết Ẩn thành Phật ) thì Tuyết Ẩn Tự là tên một ngôi chùa bên Trung Quốc, xưa kia có thiền sư Settô (Tuyết Đậu) tu hành. Ông chăm lo làm công quả bằng cách lau chùi nhà xí và nhờ tu hành lối đó mà đắc đạo. Do dó "tuyết ẩn" là cách nói ví von về nhà xí, nhà cầu. Phật (Hotoke) còn có nghĩa thư hai là người chết.
  2. Arashiyama (Lam Sơn), một thắng cảnh ở thành phố Kyôto, đến nay vẫn còn đông đảo du khách.
  3. Đoạn này nói về quang cảnh một ... nhà cầu-trà thất, rất nhiều danh từ chuyên môn nên mạn phép không dịch trọn vẹn.
  4. Một kan (quan) có khoảng 1000 mon (văn). Vào thời Edo thì kan tương đương với 960 mon.
  5. Văn Thù bồ tát, một vị Phật tượng trưng cho trí tuệ siêu việt.

 

 

BACK

 

Home