CHUYỆN NHỮNG CON MÈO
Cái hẻm bề ngang hai tấc, nằm giữa hai căn nhà dài cả
chục thước bỗng xuất hiện một bầy mèo hoang. Đầu tiên là hai con mèo lớn.
Chúng coi nơi này là nhà vì trông có vẻ kín đáo. Chỉ cần rút vào sâu bên
trong thì không ai làm gì chúng được. Ban ngày, chúng ngủ li bì. Đêm,
chúng biến vào khu vườn một nhà trong xóm. Rồi một ngày, con mẹ từ đâu
tha về ba chú mèo con. Cả gia đình mèo sống trong “căn nhà” của chúng.
Không biết vì đi kiếm ăn nhằm thức ăn người ta thuốc chuột hay sao mà
hai con mèo lớn mỗi đứa chết một nơi. Ba chú mèo con bỗng mồ côi. Người
phát hiện chuyện nầy là bà “không nhà”. Đó là một bà lão khoảng chừng
bảy mươi, dáng người ốm yếu. Cái tên “không nhà” cũng không biết từ lúc
nào. Chỉ biết mấy năm trước, bà vào vườn bà Bảy xin rọc lá và làm cỏ.
Thấy bà siêng năng chăm chỉ lại một mình tội nghiệp, bà Bảy cho bà ở
trong nhà củi. Mỗi ngày, bà bán số lá chuối rọc được cộng với thỉnh
thoảng bà Bảy cho gạo cho thức ăn, bà cũng sống qua ngày.
Một sáng, bà bỗng nghe tiếng kêu của chú mèo con. Nó nằm
trong kẹt hai chậu bông nhà bà Bảy. Tiếng kêu như cầu cứu, như van xin.
Nó còn quá nhỏ, dễ chừng chưa biết ăn. Nghe tiếng kêu, bà không nỡ nên
vào nhà lấy ra chút cá. Bà để trước mặt nó, nó không ăn cũng không sợ mà
chạy. Đó là một con mèo tam thể với gương mặt đẹp như ngọc. Tưởng nó
bịnh và sắp chết, bà niệm Phật cầu xin. Ai dè sau đó, nó chạy biến vào
hẻm.
Biết mấy con mèo không thể tự kiếm ăn, ngày nào bà cũng đem cá để chỗ
“nhà” của chúng. Điều không ngờ là chủ nhà bên phải đã ngăn cản bà. “Bà
để cá ở đây hôi quá! Bà đem đi đâu cho nó ăn đi!”. Đó là một người đàn
bà vẫn mỗi chiều đi chùa tụng kinh. Đi chùa, nhưng y không trường chay.
Y sống với bà mẹ mà tình cảm cũng không mặn mòi gì. Bà mẹ vẫn đi xe ôm
mỗi khi có việc. Y có chiếc xe gắn máy chỉ để sử dụng riêng mình.
Nhiều năm trước kia, y là một con buôn. Bẵng đi một thời
gian, y lại xuất hiện ở các chùa trong những ngày cúng lễ như một Phật
tử thuần thành. Y tự hào vì mình thường xuyên có mặt trong các buổi lễ
phóng sinh và làm từ thiện. Nếu một Phật tử với nhiều công đức như vậy,
ắt hẳn ngũ giới cấm y phải trân trọng giữ gìn. Đằng này lại không như
vậy. Y có cái miệng thơn thớt nói cười để được lòng người khác và nhiều
người dễ tin đã thường xuyên đem quà cáp tới cho. Xem ra, không ăn cắp
nhưng vẫn lấy của người.
Có lẽ trong ngũ giới cấm, chỉ uống
rượu là y không phạm phải. Còn nói lời đâm thọc, đòn xóc hai đầu thì y
rất giỏi. Việc gì không có lợi cho y thì y có chết cũng không làm, đừng
nói giúp gì ai. Y còn đứng ra mai mối cho một con bé ở xóm quen với một
người đàn ông đã có vợ và trong chuyện này, y cũng hưởng nhiều lợi lộc.
Đó là những gì mà “người đi chùa” này thể hiện. Trách gì y không có chút
lòng thương với mấy con mèo con tội nghiệp.
Bà “không nhà” cho ba con mèo ăn cũng mấy tháng. Tụi nó
rất khôn. Cứ khoảng bốn giờ sáng, ba con lại đứng trước cửa “nhà” bà. Bà
đem cơm cá, mỗi con một thau. Chúng ăn, không hề tranh giành và chiều
tối lại tới một lần nữa. Bà đặt tên con mèo tam thể là Mí. Con có màu
lông xám là Mướp. Con có lông trắng pha vàng là Bông. Điều không ngờ là
cả ba con đều là mèo cái. Con Bông có bầu. Cái bụng nó lớn lên mau quá.
Nó có vẻ không muốn vào nhà bà ở. Chừng như nó đã quen với cái hẻm nhà
của nó. Con Mí, con Mướp khôn hơn và có duyên với bà hơn. Hai đứa nó
không còn đói lạnh nữa. Bà yên tâm về hai đứa này và vẫn còn lo cho con
Bông tới ngày sanh đẻ.
Một ngày, con Bông xuất hiện với
cái bụng đã xẹp. Bà đoán chắc nó đã đẻ rồi. Bà cố tình cho nó ăn nhiều
hơn để có đủ sữa cho con nó bú. Nhưng bà vẫn đau đáu lo khi những cơn
mưa đã xuất hiện. Mẹ con con Bông ở đâu để không bị ướt. Chỉ trong cái
hẻm hai tấc đó, không một chỗ kín đáo. Mưa làm sao không ướt. Con Bông
vẫn tới ăn đều đặn. Bà vẫn để tâm nhìn vào “nhà” của nó. Một sáng bà
bỗng nghe tiếng mèo con kêu la thảm thiết. Tiếng kêu làm bà chạy vội ra.
Bà nhìn thấy gì?
Có nằm mơ bà cũng không ngờ cái
người vẫn ngày ngày đi chùa tụng kinh đó, đang dùng chân hất chú mèo con
ra khỏi sân nhà y. Bà vội chạy ra ẵm nó lên. Nó run trong tay bà. Mấy
chiếc xe chở cát đá vẫn chạy ầm ầm vì con hẻm đang làm. Bà bàng hoàng
nghĩ: “Sao y lại đối xử với một sinh vật nhỏ bé tội nghiệp như vậy? Nó
có thể bị xe cán chết mà!”. Bà đem con mèo con về cho nó uống chút sữa
và cho nó vào cái lồng gà trước kia đã từng nuôi con gà con tội nghiệp
sắp chết bị người ta vứt đi. Chiều tối, con Bông tới ăn. Bà mở cửa
chuồng cho con nó ra. Nó cho con bú và tha con về.
Con Mí, con Mướp đã có chỗ ở trong nhà bà. Chúng rất khôn
ngoan. Bà thương chúng, chúng thương bà. Bây giờ, đã có thêm mấy miệng
ăn, bà đã tiết kiệm phần ăn của mình để mua cá cho chúng. Bà vui vì
chúng được no, được ấm không phải đói lạnh nữa. Chỉ còn mẹ con con Bông.
Bà không ngủ được những lúc mưa đêm. Bà thức dậy thắp nhang niệm Quan
Thế Âm Bồ-tát cho mẹ con nó có một chỗ trú mưa. Ba đứa con của con Bông
đủ sữa của mẹ nên mau lớn (vì bà cho con Bông ăn không chỉ hai bữa. Lúc
nào thấy nó ngồi chờ, bà liền cho ăn để nó có nhiều sữa).
Rồi đến lúc ba đứa con của con Bông
cũng biết ăn. Người ta không cho bà để thức ăn chỗ mẹ con nó, bà đành để
trước nhà bà. Con Bông mỗi lần ăn được chút thức ăn lại phải chạy về cho
con. Bà để tâm để ý thấy có khi nó chạy tới gần một đêm mới hết chỗ thức
ăn dành cho mẹ con nó.
Chuyện bà “không nhà” cho mèo ăn và
chăm chút mấy con mèo đã khiến nhiều người cho bà là dở hơi, là tào lao.
Bà không màng tới họ. Bà biết bà đang làm gì. Bà ít khi đi chùa, bà chỉ
đọc kinh niệm Phật ở nhà. Trong lòng bà, đạo của Phật là đạo từ bi. Bà
làm được gì thì làm.
Mẹ con con Bông ngày càng được ăn
no. Con Mí đang mang bầu. Bà vui vì nó không phải vất vả khi mai này
sanh con. Mỗi ngày, bà vẫn rọc lá bán để mua thức ăn cho chúng. Và chỉ
có bà mới thấy được hạnh phúc khi ta làm điều thiện.
Truyện ngắn của Trầm Nguyên Ý
Anh