VÁN CỜ BÊN HIÊN CHÙA

Vĩnh Hữu Tâm Không

 

Anh Ba rủ tôi đi theo chơi, xem anh đánh cờ độ kiếm tiền về nhậu một trận xả láng với bạn bè ngày tất niên.
Biết anh Ba nổi danh là kỳ thủ, bất khả chiến bại, đánh cờ lúc nào cũng chấp đối phương, khi thì chấp pháo mã, khi thì chấp ba nước tiên, khi chấp cả cặp xe, vậy mà vẫn thắng…, nhưng tôi từ chối không đi vì việc nhà quá bề bộn.

Sau lại nghe anh cho biết, trận thư hùng trưa nay cá độ đến một triệu đồng, và địch thủ của anh là một tay cao cơ, vô địch xóm Cây Me, nên trận đấu sẽ rất gay cấn, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, tôi không thể bỏ qua cơ hội hy hữu này, phải trốn nhà mà đi theo anh…

Trận thư hùng diễn ra bên vỉa hè của chùa sư nữ im ắng. Thỉnh thoảng nghe ngân vang một hồi chuông công phu trầm trầm, làm cho không khí như lắng chùng đi trong khoảnh khắc… Ngồi xem chung quanh có hơn mười người, cũng đều là dân mê ghiền cờ tướng, cá độ có máu mặt, nên rất biết tuân luật lệ, không ai dám mở miệng động môi. Hai đối thủ đánh đồng. Bốc thăm, anh Ba đi sau.

Kỳ thủ vô địch xóm Cây Me, tên Sáu Mạt, đi trước khai cuộc với thế pháo đầu mã đội chằm hăm cung tướng đối phương. Căng thẳng. Sẽ đánh ba ván, ai thắng hai xem như bỏ túi một triệu đồng.

Anh Ba thắng ván đầu chật vật. Ván thứ hai, Sáu Mạt tập trung ở chính diện, chơi liên hoàn ngọa tâm pháo cực kỳ lợi hại, tấn công ào ạt và ráo riết. Anh Ba chống đỡ, phòng thủ mệt muốn đứt hơi, và sau cùng bị tan nát một cánh sĩ tượng, thế thủ tan vỡ, tướng xính vính phải nhờ hai xe rút về yểm trợ, lại phải đổi xe lấy pháo mã đối phương, bị mã tiền pháo hậu cánh bên kia chiếu bí. Hòa. Ván thứ ba gay cấn hơn lên. Anh Ba nổi máu quân tử Tàu, hùng hồn tuyên bố:

“Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy. Nếu ván này mà hòa thì xem như tui thua anh!”

“Được!” Sáu Mạt mừng rỡ “Có anh em làm chứng nhé. Đi đi!”

Anh Ba thua, được đi trước, không công mà thủ, rất cẩn trọng từng nước, không sơ hở, sẵn sàng mạng đổi mạng nếu đối phương xua quân qua sông. Trận ác chiến xảy ra, tiếng cờ gõ đầu nhau kêu cộp cộp liên hồi, chừng nửa giờ trôi qua, trên chiến địa ván gỗ sọc dọc kẻ ngang thấy chỉ còn lại năm quân cờ. Bên anh Ba còn một xe, pháo và tướng. Bên Sáu Mạt còn tướng với xe. Sáu Mạt cười, hô:

“Hòa rồi. Lấy gì mà ăn nữa?”

Anh Ba mỉm cười:

“Thiệt không?”

Sáu Mạt chắc nịch:

“Hòa. Thua đi, cha nội!”

Đám chầu rìa chúng tôi ngậm câm như hến, nhưng bụng đều quyết chắc là anh Ba sẽ đâm xe chiếu cho tướng địch lên, đẩy pháo chui vào nằm dưới đít tướng, đuổi không cho xe giữ mặt tướng, rút xe về để chiếu bí. Thế cờ tàn “độc” này anh Ba chơi thắng nhiều lần, ai cũng kinh phục và ghi nhớ vào bộ não. Nhưng, anh Ba chưa kịp cầm cờ đi, chợt nghe một giọng con nít kêu lên:

“Ba ơi… Má biểu con đi kêu ba về. Đem tiền về cho má lo mua gạo, mua mắm, trả nợ quán cho bà Năm Cú, chớ bả qua nhà chửi quá xá…”

Ai nấy đều ngước nhìn lên. Một thằng bé tuổi chừng mười hai, ăn mặc rách rưới, mặt mày lấm lem đang rơm rớm nhìn Sáu Mạt. Cuộc chơi đang hứng bỗng bị cắt ngang, cả tôi lẫn những người chầu rìa đều sừng sộ, trợn trừng lên ngó thằng bé. Sáu Mạt giận dữ:

“ Cút về đi! Để tao xong ván này đã. Đứng đó coi chừng tao vặn cổ chết cha mày bây giờ! Biến, biến ngay!”

Thằng bé hoảng sợ, lật đật cắm cổ chạy vù đi. Sáu Mạt nhìn anh Ba, hỏi:

“Sao rồi? Chưa chịu hòa à? Hòa là thua. Thua thì chung đây cho rồi chớ còn nghĩ ngợi gì nữa kìa? Tui gia hạn cho anh đi mười nước nữa thôi đó!”

Anh Ba thở dài thậm thượt, đưa mắt nhìn tôi và những người khác, thoáng nhìn vào sân chùa, tay bóp những quân cờ, rồi ném cái xào xuống bàn ván gỗ, hô thật to dõng dạc:

“Hòa rồi. Thua!”

“Trước sự ngỡ ngàng sửng sốt của đám chầu rìa chúng tôi, anh Ba móc túi lấy ra xấp bạc một triệu đồng, trao cho Sáu Mạt, rồi đứng dậy ngay. Sáu Mạt không kịp cảm ơn, không kịp đếm lại tiền, nhét cả xấp vào túi quần, rồi hớn hở leo lên xe đạp phóng đi… Anh Ba cũng phủi đít, xoa hai bàn tay, rồi bỏ đi một lèo không nói một lời. Tôi chạy theo anh Ba, tức tối:

“Ván đó sao hòa được, anh Ba?”

“Được chớ sao không? Thì hòa rồi đó!”

“Nhưng…”

Anh Ba vỗ vai tôi, cười khề khà, nói:

“Đừng nói. Có nói thì tiền cũng đã vào túi người ta rồi.”

“Anh Ba chấp nhận hòa, chịu chung độ là vì…?”

“Nếu thắng, anh em tụi mình đi nhậu nhẹt cũng hết. Chi bằng cho nó mang về lo cho vợ con ba ngày Tết. Nếu thắng, ăn đồng tiền của nó cũng chẳng sướng ích gì, thôi thì chịu thua một keo, tối về ngủ ngon khỏi ác mộng. Ra Giêng sẽ tái đấu, lúc đó sẽ không nương tay nữa đâu. Thôi, cứ xem như mình đãi gia đình nó vậy. Đừng ấm ức nữa, chú em!”

Tôi bàng hoàng xúc động, đi bên anh mà cứ tưởng như đang song hành với một ngọn núi hùng vĩ, và cảm thấy mình nhỏ nhoi bé xíu bởi cái lòng dạ hẹp hòi của tục tử phàm phu. Anh Ba chợt phì cười, nói:

“Còn một điều khiến tao tĩnh tâm lại chỉ trong một thời khắc chớp nhoáng, chắc là chú em cũng như những thằng ngồi quanh không ai hay biết.”

Tôi ngạc nhiên, tò mò:

“Chuyện gì vậy anh Ba?”

“Đang lúc chuẩn bị kết thúc cuộc chiến, tao chợt linh cảm có ai đó đang nhìn mình chăm chăm, ngó vào sân chùa, tao thấy có… Ni trưởng trụ trì đứng sát nơi cổng sắt từ khi nào, nhìn tao bằng ánh mắt hiền từ, và hình như đôi mắt đang nói lời thỉnh cầu tao tha cho đối thủ tội nghiệp kia. Vậy là sự hiếu thắng ngạo mạn trong tao bỗng tan biến đi, tao quyết định… nhường bước phen này!”

Tôi buột miệng:

“Anh bao giờ cũng thắng. Thắng cả trong khi thua!”

Tôi tưởng tượng ra ngay được cảnh gia đình Sáu Mạt đang hí hửng vui mừng với số tiền thắng độ. Xài một triệu đồng của kỳ thủ vô địch, một đại cao thủ của làng cờ tướng, thì đúng là sướng thật. Quá sướng.

TKVH


 

 

 

BACK

 

Home