CHUYỆN TÌNH CHIM BÓI CÁ

 

 Tôi đã gặp Thụy trong một hoàn cảnh hết sức bình thường. Một ông sư với một người Phật tử trong một lớp học giáo lý. Hồi đó, thuở tôi vẫn còn đi học trên Tổng Hợp, ngoài cái nghề dịch sách, đứng lớp giáo lý là một khả năng tay trái của tôi. Gần mười năm trời từ trước tuổi hai mươi tôi đã đi khá nhiều. Đi xa như là một cách sống của một người phóng túng kiểu tôi. Dừng chân lại bất cứ ở nơi nào, tôi vẫn luôn cố tìm cho mình một cái gì đó để làm. Tôi chỉ có một mình và dĩ nhiên rất e sợ khi phải để thời gian trôi qua trong sự vô vị. Giữa lòng phố Sài Gòn tôi cũng không sao đổi khác cách sống đó. Và thế là tôi đã “muốn làm chút gì đó” và gặp Thụy…

Mãi tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ khá rõ về cô, tính cách của cô thì đúng hơn. Tôi không muốn tả cô về đôi mắt, mái tóc, bờ vai, hàm răng, tạng người, dáng đi…như bao người vẫn thích thế khi tả một người con gái. Tôi chỉ biết là cô có duyên lắm, một kiểu duyên thầm gần như hiếm thấy: Nói ít nhưng cần thiết và cười thì  đúng lúc. Không thông minh một cách đáng phục nhưng hình như cô sinh ra là để thấu suốt duy nhất mỗi mình tôi. Phải gần ba tháng trời tôi mới nhận ra những điều đó ở cô và với cô, tôi có một cảm giác thật lạ: vừa mến, vừa ngán. Mà mến nhau, đặc biệt với người khác phái, thường dễ cho ta cái nhớ vớ vẩn, tạm gọi thế, mỗi khi có chuyện buồn mà chẳng có ai bên cạnh. Dĩ nhiên cho tới mức này tôi cũng chưa dám bảo là đã yêu hay phải lòng cô. Tôi chỉ “có cảm giác” và luôn là một ông thầy nghiêm túc. Còn cô, trời ơi, ngoài nét mặt luôn sẵn sàng mỉm cười, hình như cứ…khô khốc ấy!

Cái “dòng đời” cứ vậy mà trôi với những buổi học và dạy của tôi, buồn vui lẫn lộn nhưng vẫn nhiều thú vị. Một buổi chiều cuối năm, tôi còn nhớ, cũng trong lớp giáo lý, khi tình cờ nhắc qua một chút triết Tây, tôi dừng lại nhìn quanh các học viên:

-Tiện miệng thì nói sơ qua cho vui, các vị có lẽ khỏi cần bận tâm ba thứ này. Nó rắc rối, mất thời giờ thôi. Chúng ta đang học Kinh Phật để giải thoát mà!

Tôi cười nhẹ rồi đi qua phần còn lại của bài học hôm đó. Hai bữa sau, Thụy, tên cô bé tôi vừa kể ở trên, tìm đến chùa gặp tôi. Hôm đó là chủ nhật, lớp học nghỉ. Tôi ra mở cổng cho cô mà cứ ngạc nhiên bởi cô chỉ thường tới đây để học thôi.

Đứng trước phòng tôi, cô lục cặp lấy ra một cuốn sách rồi nhìn tôi:

-Hồi đi học 12 con có đọc cuốn này rồi mà quên mất đi. Bữa thứ sáu nghe sư giảng bài tự nhiên con nhớ mang máng…chắc sư đã xem qua rồi phải không?

Đón lấy quyển sách từ tay Thụy, tôi đọc lướt cái nhan đề của nó. Tác phẩm Alexis Zorba của Nikos Kazanzakis…tôi lại cười:

-Tôi có đọc nó nhưng cũng chỉ nhớ mang máng!

Thụy cười mỉm rồi nhìn sang hướng khác như để tránh nhìn tôi:

-Con biết vậy, nhưng mà…bữa đó sư có vẻ coi thường lớp học quá. Mấy chị hình như buồn lắm đó. Trong lớp cũng có người học xong văn khoa hồi xưa…

Thụy ngập ngừng rồi lại nhìn lên:

-Nếu vậy con đem cuốn này về nha!

Tôi lắc đầu thật nhanh:

-Thụy cho mượn ít hôm, tôi muốn đọc lại cuốn này. Quyển tôi đọc là bản dịch của bây giờ, quyển này được dịch trước 75 chắc là hay hơn!

Tiễn Thụy ra về tôi thấy nao nao và hơi buồn buồn. Quay trở vào, cất cuốn sách lên cái ngăn gỗ trên tường, tôi nằm xuống giường nhớ lung tung…

Sau ba buổi dạy đầu tuần, tôi hẹn sẽ trả lại sách cho Thụy cuốn sách vào ngày hôm sau. Thực ra từ buổi chiều Thụy đưa sách, tôi có việc phải giải quyết rồi quên mất nó đi. Vả chăng đọc lại một quyển sách dày đâu có gì thú vị nữa. Tôi chỉ cố ý mượn để...dễ coi thôi!

Đêm. Nằm một mình trong căn phòng, tôi nhớ tới Thụy rồi cuốn sách cô cho mượn. Cười một mình vì một suy nghĩ vớ vẩn, tôi đứng lên lấy cuốn sách rồi giở ra. Ở trang đầu tiên mà nhà in cố tình để trắng, tôi đọc được một dòng chữ nhỏ xíu nắn nót của con gái, bên dưới có đề ngày tháng mua nó rồi có cả một chữ ký hình như của Thụy nhưng nhìn kĩ thì sao chẳng phải là chữ Thụy dù ký tắt hay ký đủ. Một chữ T rất giống chữ b lại đứng trước một nùi rắc rồi hao hao chữ Th…

Tôi tự thầm cười tính tò mò của mình rồi thật tình cờ, cuốn sách bật ra ngay trang cuối cùng. Ở đó tôi lại phải rách mắt để đọc mấy dòng chữ Hy Lạp được viết thật đẹp mà cũng nhỏ xíu, bên dưới là lời dịch bằng tiếng Anh  (rõ ràng là nét chữ của Thụy) đại ý là “Một đời sống thiếu tinh thần thực nghiệm thì chẳng xứng đáng nữa”

Tôi đã biết câu danh ngôn này từ một cuốn sách của Betrand Russell, cuốn Tri Thức Tây Phương, bằng tiếng Anh và nó cũng được in ở trang cuối cùng của cuốn sách với nguyên tự dạng Hy Lạp cùng câu dịch.

Tôi nhớ tới khuôn mặt của Thụy rồi bật cười. Cô bé kể cũng lạ thật, mà cũng giống tôi hồi nhỏ, thích sưu tầm những thứ trên trời dưới đất rồi chẳng thèm nhớ tới vì chẳng biết phải đem dùng ở đâu.

Đưa trả cho Thụy cuốn sách, tôi nói đôi điều về văn phong người dịch rồi kết thúc:

-Bản dịch đại khái rất hay, giọng văn thật lạ nhưng độc đáo nhất có vẻ vẫn là lời đúc kết của một độc giả nào đó đã viết tay ở trang cuối…!

Thụy đỏ bừng mặt rồi lấy lại tự nhiên rất nhanh, hình như đó cũng là một thứ bản lãnh khác của cô:

-Sư đọc cuốn sách kỹ thiệt đó, chắc sư còn nhớ luôn cuốn sách được in bao nhiêu quyển và vào năm nào nữa chứ!

Chúng tôi cứ vậy mà gần gũi nhau hơn. Và Thụy đã trở thành “thư ký” cho tôi tự lúc nào tôi cũng không hay. Cô giúp tôi nhiều việc lắm. Cái chiếc Dame của cô có lẽ đã phải mòn lốp cho những công việc tôi nhờ cô. Từ việc gởi thư, nhắn tin đến chuyện đi lấy giùm mấy cuốn sách ở đâu đó. Có khi, vào những ngày rảnh cô còn đem theo bánh mì với nước uống vào tận mấy nhà sách tìm giúp tôi mấy quyển sách. Cô làm điều đó với tất cả niềm vui thật sự, một kiểu chí thú khó tin. Hồi đầu, đôi lúc tôi vẫn nghĩ là cô đã vì tôi, sau mới hiểu thật ra cô cũng là một con mọt sách. Cô đọc nhiều lắm, cũng may là đề tài sở thích của hai người không giống nhau bao nhiêu. Bởi tôi rất ngại phải cho người khác mượn sách, còn Thụy thì cứ nhìn lối cầm sách của cô, tôi có cảm giác đọc xong  cô sẽ vất nó đi.

Hôm đó chủ nhật, chẳng biết làm gì cho bớt chán, tôi ra nhà sách ở đường Nguyễn Huệ. Chen chúc giữa bao người để lựa sách, tôi gặp Thụy. Cô chào tôi bằng một chút gật đầu thật nhanh và kín đáo nhưng ánh mắt của Thụy cho tôi biết cô vui lắm. tôi bước sang dãy sách biên khảo, ở đó tương đối thưa người hơn, mà những sách tôi cần tìm cũng thường nằm ở đó. Thụy bước đến cạnh tôi cười nhỏ:

-Sư qua bên kia, có mấy cuốn mới ra, thấy nhan đề ngồ ngộ chắc hay!

Tôi im lặng đi theo cô. Liếc nhanh qua một lượt, tôi rút luôn mấy cuốn rồi đến quầy thu ngân, sau đó quay lại dãy sách khi nãy như không có gì xảy ra.

Chẳng biết Thụy lạc đâu mất giữa rừng người, tôi rời nhà sách lúc 6 giờ đúng, lại Thụy nữa. Cô đang loay hoay bên chiếc giỏ xe và không thấy tôi. Tôi đến đứng trước xe và lấy ra một cuốn sách mỏng đưa cho Thụy:

_ - Thơ mới, coi được lắm, thứ tư trả, về cẩn thận xe cộ!

Thụy cầm lấy và giơ tay ra dấu tạm biệt. Thành phố vào đêm, gió và bóng tối vẫn tuyệt vời giữa những ồn ào và ánh sáng. Tôi về mà cứ nhớ Thụy.

Chiều thứ hai rồi thứ ba qua đi với hai buổi dạy giáo lý, tôi thấy mọi sự vẫn bình thường và Thụy vẫn bình thường cũng như mọi học viên khác đều bình thường. Chiều thứ tư tan học xong, cũng như mọi hôm, Thụy dẫn xe đi theo các học viên khác ra cổng cùng một lúc. Tôi đứng nhìn theo mọi người và bỗng thấy Thụy nói gì đó với các cô đi chung rồi dựng xe ở đó, cô quay vào với chiếc cặp trên tay. Cô trả tôi cuốn sách, nó đã được cô bao bìa cẩn  thận, và nhìn thẳng vào mắt tôi Thụy nói:

-Thơ hay lắm, nhưng cái nhan đề đọc thấy ghét, thơ!

Thụy biến ra cổng như một làn gió, chút mùi mỹ phẩm thật nhẹ và dễ thương thoảng lại đằng sau. Thụy về mà chẳng chào tôi!

Vào phòng, tôi mở tập thơ ra xem và bật ngửa. Thì ra tiếng “Thơ” mà Thụy dằn mạnh ở cuối câu nói hồi nãy là vì vậy. Trước mắt tôi là cuốn sách mua giùm cho một ông sư bạn: Tôi Thương Em Mà Em Đâu Có Hay, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh!

Tôi đã đãng trí đến mức mua sách về nhà mà quên cả kiểm tra…

*

Thụy không hề có vẻ tạo cơ hội cho tôi giải thích sự nhầm lẫn đó về phía mình, tôi cũng không muốn giải thích bởi hình như kể từ buổi chiều hôm đó, Thụy tỏ ra khó hiểu hơn  nhưng thật lạ lùng là tôi lại thích thấy cô như thế, thích thấy cô trong lớp vỏ kỳ bí của con gái.

Ba tháng sau. Lớp tan. Thụy ở lại. Tôi ngồi đó, hai người nhìn nhau, Thụy cắn môi do dự rồi hỏi tôi:

-Đúng 90 ngày rồi, sư không muốn giải thích gì à?

Cô lại nhìn xuống đất. Tôi trả lời trong ngập ngừng:

-Chuyện tình cờ nhưng tôi thấy hình như...không nên giải thích…

Thụy nhìn tôi, tôi biết cô muốn nghe nốt phần còn lại của câu nói. Tôi ngó ra sân:

-Tôi biết mình đã thương Thụy! – Nhưng chẳng sao cả, tôi cũng biết phải làm gì mà. Bốn mươi ngày nữa tôi sẽ không còn ở đây.

Thụy khóc. Thật khó mà tả được tâm trạng tôi lúc đó. Hôm ấy cả chùa đi vắng, tôi là người thứ năm cũng là người cuối cùng có mặt ở chùa. Ai đã từng ở vào hoàn cảnh như tôi lúc đó sẽ hiểu cho tôi. Sự an tâm cộng với chút lãng mạn và xúc động thì xảy ra chuyện gì cũng thật khó đoán.

Nâng chiếc cằm của Thụy lên, tôi cắn vào môi cô, nhẹ thôi, rồi mấy giọt nước mắt mặn ấm trên má cô đã tìm được chốn về trên môi tôi.

-Đừng khóc, mất đẹp đi, cứng rắn lên một chút có được không? Tôi cố cười.

Chúng tôi đã quen nhau và yêu nhau – có thể nói như vậy – trong một sự trớ trêu không thể hòa giải. Mọi sự xảy đến thật đơn giản nhưng để giàn xếp thì thật khó khăn quá. Tôi vừa là một Sa môn, một người thầy và cũng là một người thương Thụy. Còn cô bé thì nào có khác gì tôi, cô cũng cùng lúc ở mọi vai diễn Phật tử, học trò và người yêu của một ông sư…

Tôi vẫn đứng dạy lớp giáo lý trong những ngày cuối cùng và cũng trong chừng đó thời gian chúng tôi đã viết cho nhau những lá thư thật dài dù vẫn gặp mặt nhau hằng bữa. Thụy viết thư hay lắm. Cô có nhiều suy nghĩ thật lạ…

Ngày tôi đi, Thụy đã giúp tôi thu dọn sách vở về chỗ ở mới. Cô không khóc nhưng tôi biết cô buồn nhiều bởi từ bây giờ chúng tôi sẽ ít có dịp gặp nhau hơn và theo lời Thụy, cô cứ tiếc lớp học giáo lý. Xem tôi như một người yêu nhưng Thụy vẫn dành cho tôi một sự trân trọng thật sự về kiến giải Phật Pháp. Thụy thường bảo tôi là người có kiến thức biến thái không chịu hiểu vấn đề theo cách nghĩ của phần đông. Thụy có vẻ như đùa khi nói câu ấy nhưng tôi biết là Thụy đã nói thật lòng.

*

Thụy vẫn thỉnh thoảng đến thăm tôi, vẫn những trang nhật ký được trao đổi qua lại. Chỉ có điều là Thụy mỗi lúc càng ít nói hơn và như để bù đắp, cô thường mua quà cho tôi, những thứ quà xinh xắn nhưng chỉ dành cho trẻ con dù Thụy có thể mua những thứ khác. Một hôm, đang ngồi ăn chung với nhau một hộp kẹo mà viên nào cũng có hình trái tim, tôi đùa với Thụy:

-Tìm ở đâu ra quá nhiều tim để ăn thế này?

-Nhiều mảnh nhỏ của một trái tim đó thôi – Thụy cười.

Tôi nói muốn bỏ học ở Tổng Hợp vì một vài lý do và thời gian còn lại có thể tập trung cho một ngoại ngữ nào đó chẳng hạn tiếng Đức. Đang nhai viên kẹo, Thụy ngừng lại nhìn tôi nhíu mày:

-Sư nghĩ kĩ chưa, coi chừng tính lộn đó. Ngoại ngữ mình có thể học hàm thụ ở nhà lúc nào chẳng được…

Trước Thụy, đôi lúc tôi thấy mình như nhỏ lại đôi ba tuổi. Cô luôn suy nghĩ thật nhanh và có những chín chắn thật bất ngờ. Tôi vẫn học ở Tổng Hợp tiếp tục dù tự biết có thể sẽ nghỉ ngang bất cứ lúc nào. Trong thời gian này Thụy thường lên trường chơi với tôi. Lại ba tháng…

Hôm đó, đang ngồi trong lớp, tôi thấy Thụy chạy xe vào. Đợi lúc giáo sư xoay lưng, tôi lẻn ra cửa. Gặp nhau ở căn tin, mắt Thụy đỏ hoe. Uống chưa xong ly nước, cô đưa cho tôi một phong bì thật dày:

-Vào lớp đi, Thụy phải về liền, mai mốt gặp!

Thụy đến trả tiền hai ly nước rồi dắt xe đi. Hôm đó Thụy không kẹp tóc. Sân trường nhiều gió. Tôi có cảm tưởng như Thụy đang bị gió cuốn đi.

Tôi vào lớp mà vẫn không thể ngồi yên, tôi không muốn mở chiếc phong bì ngay lúc đó. Sắp hết buổi học rồi. Mặc giáo sư giảng gì, tôi cứ nhớ Thụy. Hồi nãy, lần đầu tiên Thụy xưng tên khi nói chuyện với tôi.

*

Tôi bỗng nghe trời đất tối sầm, lồng ngực thắt lại tê điếng. Thụy sắp xuất cảnh. Cô sang Canada với một người lạ theo kiểu giấy tờ quái đản nào đó. Thụy đã viết như vậy trong lá thư. Thụy cho tôi biết tin đó bằng mấy dòng chữ ngắn thôi, phần còn lại là những gì cô muốn nói thêm với tôi, những điều cô chưa từng nói và tôi cũng không bao giờ ngờ được là cô đã nghĩ như thế.

“…Thụy không hề coi đây là lá thư từ biệt để Túy Lang bảo muốn đi xa thì nói gì chẳng được. Thụy sắp đi rồi, vài hôm nữa thôi, thời gian đích xác…Thụy cũng thừa hiểu là Túy Lang đâu cần biết tới phải không? Nhớ hồi còn ở bên cạnh, Túy Lang vẫn bảo là trong đời Túy Lang không hề có một cuộc đưa tiễn bất cứ người con gái nào hết, Túy Lang chỉ dành việc đó cho mấy ông sư bạn thôi. Thụy biết mình cũng không là trường hợp ngoại lệ. Thụy chỉ muốn mượn cái thư này nói hết với Túy Lang những gì mà nếu còn ở lại Việt Nam, có lẽ đến suốt đời Thụy cũng không dám nói.

“…Thụy đã yêu Túy Lang. Yêu bằng thứ tình cảm phàm tục nhất, nhưng Thụy nhớ mình đã chưa hề nói ra điều đó kể cả buổi chiều…của sáu tháng trước, ngồi yên cho Túy Lang cắn lên môi. Cái cảm giác đó suốt đời Thụy không sao quên được. Hạnh phúc và hãnh diện lắm Túy Lang biết không? Yêu Túy Lang như một người bạn đời đúng nghĩa, nhưng Thụy tin mình còn đủ sáng suốt để hiểu nhau nữa. Túy Lang là một tu sĩ trắng tay nhưng bằng vào những giá trị tinh thần mà Túy Lang sở hữu được, Thụy cứ nghĩ Túy Lang là một trích tiên, một thiền sư xuống đời du hóa rồi mắc nạn ngay trên cuộc đi của mình. Túy Lang bơ vơ trên đường nên từng bước chân có kín đáo lắm cũng không dấu được niềm bơ vơ đó. Túy Lang đi học như chỉ vì không có chuyện để làm, đứng lớp dạy chỉ vì muốn thời gian quan nhanh hơn. Túy Lang viết nhật kí, tùy bút, tạp văn rồi làm thơ, dịch sách đều bằng một tâm trạng của người không biết về đâu. Từ những ngày đầu mới quen. Thụy đã đọc được điều đó qua ánh mắt, ngôn từ và phong cách của Túy Lang. Túy Lang nói đùa như đứa bé nói dối để không bị đòn roi. Và cuối cùng, có phải Túy Lang cũng đã yêu Thụy trong niềm bơ vơ đó? Nhớ lại mà cứ nghe thương xót xa. Túy Lang giống y như đứa con nít ấy. Chiều 26/9 lên Tổng Hợp chơi với Túy Lang (để Túy Lang vui mà không đòi bỏ học), lúc đó đã gần năm giờ. Thụy đòi về, Túy Lang chẳng nói gì, cứ ngồi bẻ vụn chiếc kẹp tóc trên tay như hờn dỗi. Túy Lang đã cần tới Thụy đến thế sao! Đêm đó Thụy về không ngủ nổi.

“Đôi lúc không hiểu được con người thật của Túy Lang nữa. Túy Lang có cùng lúc trong chính mình quá nhiều cái mâu thuẫn. Nhớ có lần thấy lạ, Thụy hỏi, Túy Lang đã cười như không:

- Không có vực thẳm thì làm sao có núi cao chớ!

 Túy Lanh “hư” nhiều hơn “nên”, nhưng chẳng hiểu sao Thụy vẫn cứ thương nốt những thói hư đó, phải chăng chỉ vì Túy Lang luôn bước tới và nhìn lên trong niềm cô đơn không nói được. Túy Lang đam mê nhiều thứ quá, nhưng tay vẫn không rời bút sách. Thụy đi rồi, có hư bao nhiêu cũng rán giữ lại cái đẹp sau cùng đó nha Túy Lang!

“Mình biết nhau, hiểu nhau (cứ cho là vậy) rồi thương nhau và bây giờ xa cách nhau (đâu biết được là vĩnh biệt nhau), trước sau chỉ tròn mười một tháng. Nhanh quá phải không Túy Lang, vẫn chưa đủ một năm mà…

“Thụy đã đọc hết và đọc thật kỹ những cuốn sách Túy Lang bảo đọc, tác giả Tây Tàu đủ cả, và lúc đầu thật tình Thụy cũng không hiểu tại sao Túy Lang khuyên Thụy đọc chúng. Hỏi Túy Lang, Túy Lang bảo y như lời Kinh Thánh: Cứ đọc đôi bà lần sẽ hiểu, Túy Lang kì dị và tinh nghịch không chịu nổi, bảo Thụy đi tìm đọc bản nguyên tác Anh văn hoặc Đức ngữ càng tốt, của cuốn Câu Chuyện Dòng Sông (H.Hesse), bản dịch tiếng Việt đọc xong rồi còn đọc trở lại nguyên tác làm gì, mà nếu có muốn đọc, ngoại ngữ của Thụy cũng đâu kham nổi. Lại hỏi Túy Lang, Túy Lang cười giải thích nghe mà lẩn thẩn:

-Có tác phẩm nên được đọc thẳng nguyên tác (điều này Thụy cũng thấy thế), riêng cuốn Câu Chuyện Dòng Sông thì phải đọc để biết thêm cái tên thiệt bằng tiếng Phạn mà Hesse đặt cho nhân vật nữ trong đó. Kiều Lan chỉ là tên Việt trong bản dịch thôi. Cái tên Phạn của Kiều Lan có ý nghĩa hay lắm!

“Sau này hiểu được Túy Lang thật ra chị đọc được lỏm bỏm đôi ba thứ tiếng, còn tiếng Đức gần như mù tịt, thì Thụy mới thấy giận Túy Lang. Giận mà không thể không phì cười cái tánh ăn gian đó của Túy Lang.

“Bây giờ thì Thụy phải sắp rời xa Túy Lang rồi và cũng đã hiểu tại sao Túy Lang thường chọn sách cho Thụy đọc. Thụy cũng hiểu cả cái nghĩa chữ Phạn của cái tên người con gái trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông của H.Hesse. Kiều Lan thật ra là Kamala, Kamala là nước, cái tạo nên những dòng nước, giọt nước và bất cứ cái gì được sinh ra từ nước: trôi đi, tuôn đổ, phiêu bồng, tí tách, cuồng nộ…

“Trong một lá thư gửi Thụy, Túy Lang đã bắt đầu vào thư bằng mấy chữ “KL của ta” cái tên Kiều Lan (hay Kamala) được viết tắt nhưng Thụy hiểu đó là chữ gì và phải chăng Túy Lang đã muốn xem Thụy như một Kiều Lan, một dòng sông, một giọt nước đi qua đời mình? Túy Lang thật ra vẫn cô đơn một cách kỳ lạ ngay cả khi đã nói lời thương Thụy. Đôi lúc Thụy thấy mình chỉ là một giọt nước bé xíu hay khá hơn cũng chỉ là một dòng sông bên dưới đồng bằng không thể giúp được cái tâm hồn chênh vênh của Túy Lang một chia sẻ nào hết. Có bao giờ Túy Lang nghĩ vậy không hở Túy Lang và nếu có, hẳn Túy Lang đã buồn lắm phải không?

“Viết tới đây, Thụy phải thay cái bút mới. Nãy giờ Thụy vẫn dùng cây bút Túy Lang tặng hôm sinh nhật. Bây giờ nó hết mực rồi nhưng Thụy sẽ giữ lại như một kỷ vật về Túy Lang. Cây bút có in hình con gấu Kaola Châu Úc hay gấu trúc Trung Quốc gì đó Túy Lang còn nhớ không?

Túy Lang thường bảo mình thuộc mạng Thổ và khắc Thủy nhưng tại sao lại thích gọi Thụy là Kamala chứ!

“Thủy Thổ tương khắc nên bây giờ mình xa nhau đó phải không? Bỗng dưng Thụy chả muốn là Kamala nữa, mà là một bến sông. Chữ Phạn có cho phép dịch chữ Kamala rộng rãi hơn một tí không, và nếu là bến sông thì chữ Phạn là gì hở Túy Lang? Bến sông có thể là Thổ hoặc Mộc, có thể chơi với Thổ mà không sợ bị khắc kỵ phải không?

“Túy Lang gần ba mươi tuổi rồi, coi như đã nửa đời mà vẫn phiêu bồng trôi giạt. Túy Lang di chuyển như con thuyền ấy. Về lại đi nghe Túy Lang. Dù có ở phương trời nào, Thụy cũng xin là một bến sông cho Túy Lang mà. Nói vậy không có nghĩa là Thụy không nhớ đến khả năng của Túy Lang. Túy Lang vẫn luôn có thể tự tìm thấy cho mình một chỗ ghé về nhưng bao năm qua rồi. Túy Lang dù đã trưởng thành và trôi nổi từ rất sớm, vẫn dường như còn mãi lênh đênh. Có phải Túy Lang đã không muốn mình tiếp tục cô đơn trên một bến sông nào đó? Nếu đúng vậy và đã xem Thụy như một dòng sông để xuôi thuyền thì tại sao Túy Lang lại không thể coi Thụy như một bến sông. Thụy tin ở đó Túy Lang sẽ không còn cô đơn và có thể tìm thấy từng giấc ngủ yên lành.

“Thật ra, như Túy Lang cũng thấy đó, Thụy đã không phải là một người có thật nhiều thứ để cho Túy Lang nhưng nếu Thụy không lầm thì Túy Lang cũng đâu cần tới quá nhiều thứ trên đời. Và thật đơn giản, Túy Lang chỉ cần tìm được một bến sông, chỉ cần một bến sông thôi phải không?

“Như Túy Lang đã thấy đó, trước sau gì Thụy cũng không là một nhân vật Kamala trong đời Túy Lang nếu quả thật Túy Lang đã có lúc nghĩ mình là một Tất Đạt như Hesse đã viết. Thụy cũng ngại khi nghĩ tới tâm sự một ni cô Giác Chúng của Ngọc Lâm quốc sư. Thụy biết mình không thể sống được với những nếp đời đó. Vả chăng, Túy Lang cũng biết mà, không ai có thể sống rập khuôn theo một nhân vật tiểu thuyết nào đó mà lại tránh được việc dối lòng. Có những quy luật cuộc đời đúng là chua xót nhưng mình không thể phủ nhận hay trốn chạy nó. Thụy biết Túy Lang sẽ buồn nhiều trong những ngày Thụy vừa ra đi nhưng Thụy tin cái gì cũng phải phôi pha đi. Ai trong đời lại không có chuyện đau lòng nhưng chẳng lẽ người ta lại cứ suốt đời ôm giữ tất cả những nhức buốt đó. Thụy nghĩ họ sẽ chết trước khi quen được hay giàn xếp được nó…

“Có buổi chiều ở lớp giáo lý, khi giảng về mười hai duyên khởi, Túy Lang đã nói một câu thật tuyệt vời mà sau đó Thụy đã chép vào sổ tay rồi mai đây sẽ mang nó theo suốt đời. Túy Lang bảo rằng cũng may là đời sống luôn vô ngã và bất toại nếu không thì giả sử ai đó cùng lúc toại nguyện tất cả ước mơ chắc là phải khó xử lắm: chẳng hạn một thiếu nữ muốn mình suốt đời ngọc khiết băng thanh bên cạnh người bạn đời thật lý tưởng!

“Trường hợp của chúng ta chắc là cũng không khác với cái ước mơ mâu thuẫn đó phải không Túy Lang? Mình không muốn xa nhau và cũng thừa hiểu rằng được sống cạnh nhau có thể sẽ vui lắm. Nhưng cái trớ trêu là Túy Lang chỉ yêu được Thụy khi Thụy đúng là Thụy của sáu tháng trước và ngược lại Thụy cũng sẽ chỉ còn yêu Túy Lang đúng là Túy Lang mà Thụy đã nhìn thấy. Càng xích lại gần nhau, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình và điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã đánh mất nhau rồi…

“Túy Lang có thấy không, càng gần Thụy, Túy Lang dường như đổi tính, đôi lúc như trẻ con (điều này tạm chấp nhận được) nhưng rồi Túy Lang hình như có lúc sinh thêm lắm tật kì cục khác nữa, những tính khí hoàn toàn đi ngược lại tâm hồn thơ mộng, hồn nhiên, điềm tĩnh của Túy Lang hồi nào. Túy Lang ghen tuông hơn, kẻ nhặt hơn và nóng tính vô lý, bất thường. Túy Lang thấy đó, Túy Lang ẩn sĩ, Túy Lang học giả, Túy Lang du sĩ, Túy Lang thi nhân…hình như bị tật nguyền cả rồi. Bởi vì yêu Thụy nên Túy Lang đã đổi thay, Thụy càng thương hơn nhưng dĩ nhiên cũng không xóa được những ám ảnh về swh thay đổi nhanh chóng của Túy Lang.

Còn về mình, Thụy cũng tự thấy Thụy đã không còn là con nhỏ Thụy thơ ngây, nhanh nhẹn, hiếu học nữa. Nhiều lúc cứ lo dòm ngó Túy Lang rồi thấy mình như một bà lão lẩm cẩm. Nhật ký không có nội dung gì ngoài những suy nghĩ về Túy Lang, lười đọc sách, cả mấy cuốn album tem cưng nhất cũng bị bỏ xó.

“Có một thứ quy luật hết sức đơn giản mà chúng ta không thể nào quên được là mọi vật trên đời luôn tồn tại bằng sự tương quan với một hay nhiều thứ khác nhưng có điều là tự mỗi sự vật có một bản chất, thuộc tính riêng và từ đó cũng có chức năng không giống nhau, dù có quan hệ mật thiết với nhau đến mấy. Nhớ hồi xưa Túy Lang cũng đã nói tới quy luật này trong lớp giáo lý mà. Bốn Danh uẩn hay tám sắc Bất Ly đó, chúng không thể tồn tại mà thiếu nhau, thậm chí quy định lẫn nhau, nhưng Tưởng là Tưởng và Hỏa chỉ là Hỏa thôi.

“Ba tháng trước, Túy Lang biết không, khi được gia đình nói rõ về việc ra đi này, Thụy đã chết điếng người và nhớ tới Túy Lang, đến chuyện chúng ta nhưng rồi cũng ngay tuần lễ đau xót đó, Thụy đã nhớ lại bài học Túy Lang đã dạy và bằng một sự bình tĩnh thật kỳ lạ, Thụy đã thấy được con đường mình phải chọn.

“Để giữ lại được chính mình và để không mất nhau (ít nhất cũng là trong tâm tưởng) thì chúng ta không thể suốt đời sống mộng mơ mãi được. Một sự kết hợp không hợp lý chỉ là một sự lắp ghép khiên cưỡng thôi phải không Túy Lang? Chúng ta mỗi người một con đường, một phương trời riêng tư. Chúng ta chỉ có thể tương quan chứ không thể tương tức. Thụy không thể tẩy xóa chính mình để trở thành một Túy Lang thứ hai và ngược lại Túy Lang cũng đâu thể biến mình ra một nhỏ Thụy để hai người chúng ta được thành một khối. Mà nếu cố tình nhốt chung hai cánh chim vào cùng một chiếc lồng chật hẹp thì Thụy e là mình không thể sống được đâu phải không Túy Lang? Trước hết, chúng ta đã đánh mất tiếng hót rồi sau đó là không khí để thở. Chúng ta phải bay đi mỗi đứa một phương trời và dĩ nhiên đã là những cánh chim đồng loại thì bất cứ nơi đâu, lúc nào mình cũng vẫn có thể tái ngộ. Đời càng mưa bão, cuộc tương phùng sẽ càng nhiều ý nghĩa.

“Nào, bây giờ Túy Lang hãy nói đi, Túy Lang muốn Thụy sẽ là gì trong đời nhau hở: Một dòng sông, một bến đỗ, một giọt nước hay một cánh chim đồng loại. Chữ Phạn Kamala không đủ xài, hãy cho Thụy biết cả tên Phạn của những thứ còn lại nha Túy Lang, nhà cổ ngữ học của Thụy…”

Thụy viết đúng bốn mươi trang sổ nhật ký, nét chữ nắn nót lúc đầu càng cứng rắn về sau. Tôi đọc như để cố nuốt hết vào lòng mình những dòng chữ đó. Thụy đã làm tôi bất ngờ quá. Cô vững chãi và sâu sắc hơn tôi vẫn nghĩ. Xa mất nhau rồi mới thấy quí nhau hơn.

Có phải Thụy muốn dạy tôi phép nhìn người cho chính xác? Hay cô muốn mình vẫn tiếp tục là một Kamala duy nhất trong tôi dù đã là một cánh chim nghìn trùng viễn xứ…

Kỷ vật Thụy để lại cho tôi ngoài quyển nhật ký còn có một viên đá Sapphire xinh xắn hình giọt nước. Nhìn nó trơn bóng, lấp lánh, tôi nhớ tới giọt nước mắt của Thụy những khi cô khóc. Thụy đã gói chung viên đá với quyển nhật ký vào một chiếc phong bì.

Hai tháng sau ngày Thụy đi, tôi có nhận được một lá thư của cô. Thư viết thật ngắn. Thụy cho biết cô đang đi làm để có điều kiện vào Đại học. Chẳng biết đùa hay thật, Thụy bảo sẽ chọn ngành cổ ngữ học Đông Phương. Nghe vậy thì biết vậy, tôi chỉ hồi âm mấy dòng và khuyên Thụy y như trong Kinh là hãy sống và thực hiện theo những gì mình thấy đúng và cần thiết, dĩ nhiên chỉ nên quyết định sau khi suy nghĩ thật cẩn thận. Thư đi và thời gian trôi…

Chúng tôi mất tin tức nhau đúng ba năm trời rồi bất chợt một hôm tôi nhận được tấm card postale của Thụy gửi về từ Amsterdam, Hòa Lan, Thụy đã bỏ Canada qua sống bên đó và đang theo học ngành cổ ngữ học Đông Phương. Thụy bảo hai mùa nghỉ hè qua đã sang tham dự các khóa thiền định ở Anh Quốc và Châu Úc. Mừng cho cô và bỗng nghe buồn cho mình…

Nhớ hồi nào, kẻ rong ruổi phiêu bạt chính lá Túy Lang. Có lận đận gieo neo đến mấy, Túy Lang ngày đó cũng vẫn là một cánh chim trời. Đời sông hồ dẫu nước mắt nhiều hơn nụ cười nhưng mình vẫn luôn được xoải cánh thênh thang. Rồi đến ngày về lại phố, Túy Lang vẫn là một ẩn sĩ lấy cái nhìn từ cao sơn mà ngắm thiên hạ. Gặp Thụy rồi thương nhau, đôi lúc Túy Lang thấy hình như tình yêu đó đã chấp cánh cho mình bay đến những bến bờ kỳ thú hơn, dù có thể đó chỉ là những bến bờ viễn mộng…

Ấy vậy mà bây giờ tất cả đã bay xa. Tôi đã thành ra người ở lại góc trời hiu hắt này với cái bóng mồ côi của mình. Sau lần nhận được tấm card postale từ phương trời Uất kim hương ngàn dặm đó, đã hai năm rồi, Thụy cứ bặt tăm.

Chiều nay, trên chuyến phà Mỹ Thuận qua mặt sông phủ mưa lạnh buốt, tôi tình cờ đứng tựa vào một chiếc xe xa lạ và chợt nhói đau đâu đó trong lòng khi nghe mơ hồ trong gió mưa một bài hát ma mị được phổ nhạc từ một bài thơ nào đó, hình như là của Du Tử Lê:

“…Thụy bây giờ ở đâu

Anh là chim bói cá

Em là bóng trăng ngà

Chỉ cách một mặt hồ

Mà nghìn trùng chia xa

…Thụy ơi và tình ơi!”

“Thụy bây giờ ở đâu”…Sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ đó. Tôi nhớ Thụy quay quắt. Thụy ơi, người ta chỉ mượn hình ảnh một mặt hồ mà còn bảo là nghìn trùng chia xa. Còn Thụy với tôi cách nhau đến những nửa vòng Trái Đất, biết có từ ngữ nào để tả cái khoảng cách vời vợi đó hay không.

Chuyện đời nhiều bất trắc quá phải không Thụy, nhưng mãi cho tới chiều nay tôi cũng không biết phải nói sao về câu chuyện của chúng ta. Cuộc gặp gỡ giữa hai người phải chăng không nên xảy ra: Mình đã làm xáo trộn đời nhau bằng những nhức buốt hình như không cần thiết rồi cuối cùng cuộc chia tay chỉ làm cực lòng nhau thêm thôi. Nhưng có nên chăng khi tôi gọi đó là câu chuyện cần có trong một đời người, đẹp và thật nhiều ý nghĩa: Tôi đã gặp Thụy trong thời điểm cô đơn tuyệt cùng, tôi đang trôi giạt và Thụy đã như một bến sông. Thụy đã gần như cứu thoát tâm hồn tôi từ những giông bão của đời sống. Tôi đã trưởng thành hơn kể từ ngày có Thụy. Thụy đã dạy tôi làm thầy, làm trò, làm bạn và làm một người yêu. Trên tất cả, cuộc ra đi của Thụy tuy đã mang theo một phần tuổi trẻ của tôi nhưng chiều nay, ở tuổi ba mươi này, tôi vẫn giữ được khá trọn vẹn manh áo du sĩ mà thật ra vẫn muốn giữ lại suốt đời như một lựa chọn sinh tử. Tôi mất Thụy cho tôi bình yên, liệu có nên nói thế không hở Thụy?

Tôi không biết rõ về nhân vật Thụy của Du Tử Lê, nàng đã là một người có thật trong đời ông hay chỉ là một bóng dáng đàn bà trong thi ca. Nhưng riêng tôi, tôi có một Thụy như thế đã từng đi qua đời mình. Nhưng…Thụy bây giờ ở đâu!

Tôi từ đó cứ thương hoài những dòng sông, những giọt nước để nhớ về một Thụy Kamala… 

Cuối hạ 96


 

 

 

BACK

 

Home