HUYỀN KÝ

Toại Khanh 
 

 

 

Ông lão chậm rãi mở cửa am thờ. Một cái khám nhỏ nằm sâu trong tường, một bức tượng Phật kiểu Nhật Bản đang được an vị trong đó. Một vầng hào quang trắng đục bao quanh tượng Phật, không rõ ánh sáng đến từ một nơi nào trên trần nhà hay một bóng đèn được lắp kín đáo đâu đó. Trước khám thờ chỉ có một chiếc bàn gỗ mặt hẹp nhưng chân cao, thoáng nhìn giống hệt một con hạc đang hầu Phật. Như quên mất người khách đang đứng sau lưng mình, ông lão lặng lẽ chấp tay làm lễ một lúc, trong im lặng. Đoạn, kính cẩn đưa tay lên bàn thờ cầm lấy một chiếc hộp gỗ nhỏ chừng hơn gang tay, rồi nhẹ nhàng mở ra. Hắn như nín thở nhìn theo từng động tác của ông lão. Trong đó chỉ là một cuốn sách, một xấp giấy cũ thì đúng hơn. Ông trao cho hắn.

Nó đáng gọi cổ thư, giấy thô ráp ố vàng, chữ nghĩa bên trong là thứ văn tự gì đó nếu chẳng của Tây hạ hẳn cũng Thổ Phồn cổ tự, trông như đàn kiến bò trên những lóng trúc lục bình. Mặc, dăm trang cuối sách là những trang viết tay dày đặc, Anh ngữ hẳn hoi, văn pháp đương đại, thậm chí từng dòng chữ cơ hồ còn thơm mùi mực. Có điều bút khí cuồng lộng, ý tứ thần dị. Hắn chong mắt xăm xoi.

Muốn hoá thân ra người Quán Tự Tại, đừng học cách Ở, hãy học phép Đi. Dúm cơm khô trong túi du hành còn đắc dụng hơn trang viên giữa phố. Hãy biến những thứ có được ra hành trang trên đường. Đừng nghĩ chuyện dài lâu, không buồn vui nào dài quá một nháy mắt. Ai cũng sợ mù lòa, nhưng thích sống vô minh. Và mặc ta vô minh, đời cứ thế vô thường. Hãy tận dụng sáu cửa nội tại để trăm năm không trôi mất. Thời gian chỉ tồn tại khi ta biết cách tồn tại.

Người hoằng đạo chớ sợ đời mạt pháp. Mạt pháp chỉ là tên gọi một cách tồn tại khác của Chánh pháp. Chánh pháp luôn có cách tồn tại trong mỗi thời kỳ. Tùy căn cơ, chánh pháp được hiển hiện qua những chiều kích khác nhau. Hãy trao cho trẻ con những món đồ chơi, gương lược cho phụ nữ, hoa ruợu cho nhà thơ, cổ thư cho học giả, cùng với một lời nhắn nhủ cho mỗi người về mục đích của cuộc chơi. Rong chơi có mục đích được gọi là hành hương, dắt tay người cũng là cách độ chúng. Cùng nhau vào cuộc chơi với xâu chuỗi trên tay mỗi người, không niệm Phật cũng cứ là tu niệm. Đừng ngồi cô độc bên đường ôm hòm bối diệp mà tưởng tiếc ngàn xưa.

Thái độ nào cũng chỉ là một sự bày tỏ, thể hiện, một tiếng nói. Việc đời hay chuyện đạo đều cần đến một lời rỉ tai là không nên bỏ xác ở một kết luận nào hết. Đời là một cuộc đi. Còn hơi thở là còn bước đi và giảo nghiệm. Sao cũng là tốt, miễn đừng bao giờ nghĩ đến hai chữ Tốt Nhất. Chữ Nhất thường đi chung chữ Lầm. Chỉ nên Tốt Hơn, đừng bao giờ là Tốt Nhất. Thế giới đã đổ máu, nhỏ lệ, chỉ vì những nhãn hiệu. Chớ tin kẻ tìm thấy chân lý, hãy lắng nghe người đang tìm chân lý. Đời vô thường nên con đường nào cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Đừng mong lấy cái ngắn hạn giải quyết chuyện đời thiên thu. Mùa đông có tuyết trắng và cành khô, thế chẳng đủ tuyệt vời lắm sao? Cứ gì phải vì luyến tiếc mùa xuân mà cưỡng cầu thứ hoa khô giả tạo. Mùa nào thức nấy. Người hành giả rong chơi với bốn mùa trong tim và ngay trước mắt.

Một trong những thứ kinh thư đáng được thờ lạy nhất trên trái đất này chính là mấy cuốn sách danh ngôn. Thật lạ lùng khi người ta có thể cóp nhặt đủ thứ để lập giáo xưng danh một cách nghèo túng, kể cả những vá víu vay mượn đầy bệnh hoạn, mà chưa hề có người tuyên xưng thứ kinh điển ngàn vàng ấy. Chúng là tinh hoa ngàn đời của nhân loại, là máu huyết của vô số cổ nhân, và nằm ngoài tất cả mọi nhãn hiệu. Thần tượng vĩ đại nhất trên thế giới này phải nằm ngoài mọi nhãn hiệu để có thể đại diện cho tất cả những thứ cao đẹp. Hiếm một tín đồ của bất cứ tôn giáo nào trên đời chịu để ý rằng càng lên tiếng suy tôn giáo chủ một cách ồn ào thì càng thu hẹp không gian tồn tại của đối tượng mình tôn thờ. Chỉ nên nhắc đến cõi tinh thần của các thần tượng, đừng xây lên những bảo tòa cao ngất vốn xa lạ với nhân gian và làm chướng mắt những người chưa tìm thấy sự khả kính ở đó. Hãy để các vị ấy hiện hữu một cách thơ mộng và cao khoát như trăng khuya, biển chiều, núi cao, sông dài. Những thứ thiên nhiên đó không cần đến sự quảng cáo. Và tình yêu thiên nhiên sẽ không tạo ra những khoảng cách không nên có giữa những tim người.

Đừng ham cái Dễ mà chối bỏ cái bị xem là Khó. Mọi thứ trước khi trở nên dễ dàng đều phải là khó khăn. Hãy yêu cái đơn giản, nhưng đừng ham chi chuyện dễ dàng. Ai đó đã bảo, hãy sống đơn giản theo mức đơn giản vốn có của đời sống, nhưng nhớ đừng tìm cách đơn giản hơn nữa. Học hành một cách đơn giản là thông tuệ, cố gắng đơn giản hơn mức cần thiết là lười biếng.

Ở một tuổi nào đó trong đời hãy học cách yêu lấy đáy thẳm của sự yên lặng. Cách nói đó oách quá, ăn cắp của một tay ngông ngạo. Nghe ra không được thật thà và tới nơi tới chốn bằng hai chữ vô danh. Phải. Nhớ câu nói của ai đó, tuyệt diệu nhất vẫn là sự giàu có của một người vô danh. Hãy tự xem mình là kẻ đang bị truy sát, lộ diện là tự sát. Hãy bắt đầu yêu lấy nỗi vô danh để làm quen với sự lặng lẽ của mộ địa. Một trong những thú vị lớn nhất của nhân gian là trồng hoa trên đỉnh ngàn, đêm đêm nghe gió xuôi về đồng bằng, mang theo món quà vô danh của mình. Vô danh mà vô tình vô tâm, đó chỉ là kiếp đời của một tử tù trong hầm sâu ngục tối. Vô danh mà có tâm, có tình chính là tận hưởng sự hiện hữu phù vân.

Một ngày mùa đông về chơi một góc nhỏ Thượng Hải, rong chơi mấy hôm bỗng nhận ra mình đã già, đã thay đổi nhiều quá. Ngày trước cứ một lòng khăng khăng đi tìm cái tinh khôi của đạo Phật, thường xuyên dị ứng với những thứ đơm đặt của đời sau. Bây giờ bụng cứ nghe vui râm ran kín đáo, khi tình cờ bắt gặp đâu đó một dấu vết của Phật lẩn khuất, vương vãi trong dân gian. Một chút thôi, cũng cứ thấy quý. Lòng đã tự tìm thấy một thỏa hiệp rồi chăng? Không hiểu nổi chính mình, ngày về bèn đem chuyện hỏi lại một người quen. Nhận được câu trả lời ngộ nghĩnh không biết nên vui hay buồn: Đã già rồi đó, vòng tay lớn hơn vì mắt đã chịu nhìn xa hơn. Người bỗng dễ thương là người sắp chết đấy biết không?

Ba ngày xuân, nhằm dịp cuối tuần, chẳng đi đâu hết. Không chốn đi cũng chẳng có người để gặp. Chợt nhận được thư xa, từ nghìn trùng quê cũ. Một người quen vẫn chưa quên mình. Kể cũng là thương. Đôi câu hỏi han, dăm ba lời trách, pha chút vui buồn như kiểu mưa nắng bên đó. Chẳng biết phải nói gì, chợt nhớ lại một bài thơ vừa làm cách đó không lâu, sẵn sàng như một lời đáp cho câu hỏi đã biết trước. Em hỏi tôi ngày trở về cố quận. Tôi trả lời đâu cũng chốn quê hương. Em hỏi tôi bao giờ thôi lận đận. Tôi xin thưa: Cứ suốt kiếp trên đường. Em hỏi tôi gió phương này có lạnh? Tôi trả lời: Đời giá rét chung thân. Đợi mưa gió bên ngoài chừng ráo tạnh, đốt thơ mình nhóm lửa sưởi đôi chân. Em hỏi tôi sao một đời khinh bạc, phủi tay hoài những ấm lạnh tình thân. Tôi trả lời gã tiên khờ đi lạc, buổi kim tiền sao có nổi tri âm!”

Trong ánh sáng mờ nhạt của am thờ, hắn đứng đọc một mạch không sót một chữ, toàn bộ mấy trang giấy đó. Đọc trong im lặng và nghe mình như đang lên đồng. Đúng hay sai, một phần hay toàn bộ, nội dung kỳ quái trong cuốn sách kia. Hắn lễ phép trả lại cuốn sách cho ông lão và từng bước rời khỏi am.

Bên phiến đá trắng được kê làm mâm trà giữa khu vườn tĩnh mịch, trong cái không gian váng vất một mùi hương lạ của loài hoa nào đó mọc chen trong những kẽ đá, ông lão giữ am nhỏ giọng kể lại cho hắn câu chuyện cũ:

Thầy trò lão gặp nhau lần đầu ở Nam Kinh. Trên một chuyến tàu đêm. Nhân duyên là cái gì đó không nói được nhưng có thật trên đời ông ạ. Khuya hôm đó, lão lóng ngóng thế nào mà lại làm đổ cả ly trà nóng trên chân sư phụ. Lúc đó thầy chỉ mới ngoài bốn mươi.

Đang cúi xuống định lau lấy chiếc giày ướt đẫm kia như một cách xin lỗi, lão bỗng nghe một câu nói rành rọt, chữ nghĩa và âm sắc như của một người bản xứ:

- Ông cụ đừng làm vậy, tôi có thứ trà này ngon lắm, cụ có sẵn nước sôi ở đây sao, hay là ngồi uống với tôi một chén.

Ông có tin không, người vừa nói với tôi câu đó là một thầy tu nước ngoài. Nếu không tận mắt nhìn, ai biết được đó là tiếng Tàu của một người ngoại quốc chỉ đến Trung Hoa chưa được chừng vài bận. Văn hoá của một xứ Tàu kín cửa suốt mấy chục năm đã không cho phép lão có được cái tư phong cần có trước hoàn cảnh đó. Thật lạ, chỉ sau vài ba tuần trà, lão bỗng thấy mình không thuộc về miền đất này nữa. Lão đã thuộc về người khách lạ vừa quen biết trong tình huống kỳ cục đó. Chỉ hỏi lão hai câu về gia đình và sức khỏe, sư phụ nhìn thẳng vào mắt lão rồi hỏi không ngập ngừng: Ông cụ có chịu về tu hành với tôi? Nói thiệt, con người đó có rũ lão đi ăn mày lão cũng gật đầu ông ạ. Chúng tôi đến Thượng Hải, sư phụ bảo lão viết một cái thư về cho hai thằng con trai.

Cứ vậy là lão về sống với sư phụ. Thầy lạ lắm, chuyện gì cũng nói trên bàn trà. Lão học đạo cũng ở ngoài vườn. Không giấy mực gì hết. Bất cứ thứ gì nhìn thấy chung quanh đều có thể là cái cớ để thầy nói về Phật học. Từ các món gia dụng trong nhà đến những chậu kiểng, hồ nước ngoài vườn. Từ đó, làm gì và ở đâu lão cũng thấy Phật pháp và như nghe cả tiếng nói của sư phụ. Hai mươi năm trời trôi qua vùn vụt. Vậy rồi thầy đi. Thanh thản lắm, không bệnh hoạn gì hết, chỉ nói muốn nằm nghỉ. Đến lúc vào báo giờ cơm trưa, lão mới biết. Hơn một tháng trước đó, bỗng dưng sư phụ cứ dặn dò lão chuyện này chuyện khác. Lão không thể linh cảm ra điều gì. Rõ ràng sư phụ nhỏ hơn lão đến chục tuổi mà. Cuốn sách đó sư phụ để trong chiếc va-li hành lý mà ngày trước vẫn dùng trong những chuyến đi xa. Lão thờ ở đây như một kỷ niệm gắn bó với sư phụ nhiều nhất. Sư phụ đi nhiều, quen nhiều, sao lại chọn lão chứ. Đến giờ lão vẫn chưa hiểu và cũng chưa từng hỏi qua sư phụ chuyện đó. Chỉ biết rằng ngoài Phật pháp, chưa hề nghe thầy nói đến thứ gì khác. Nhớ lại một câu dặn dò bâng quơ của sư phụ ngày trước, lão đã rải tro di cốt của thầy xuống biển ngay sau lễ hóa thân. Gia tài sư phụ để lại cho lão chính là những gì lão đã nghe được ngay từ bàn trà này và vài thứ vặt vãnh trong hành lý gió bụi của thầy ngày xưa. Cái am này giờ cũng đã mục nát rồi, mai này tới phiên lão đi xa, chắc chỉ còn lại khu vườn hiu quạnh này.”

Đang nói đến đó, lão liếc mắt vào chiếc đồng hồ tường treo trên vách gỗ sau lưng, rồi xin phép khách đến gióng nhẹ ba hồi chuông để bắt đầu buổi kinh chiều. Hắn cứ như ngẩn ngơ khi nhìn theo lão, nhìn đến từng món vật dụng chung quanh. Đúng là cái gì ở đây cũng phảng phất bóng dáng người sư phụ kỳ lạ của lão. Cái đồng hồ tường khó tìm thấy ở bất cứ đâu: hai chiếc kim trên đó chỉ là hai que trúc mong manh gắn vào một mảnh đá tròn dát mỏng. Cái gọi là chuông kia cũng lạ lùng, trông như một cái bát khất thực của nhà sư đem treo ngược, những dư hưởng sau cùng của chuông nghe như tiếng muỗi bay.

Không muốn quấy rầy ông lão đang tụng kinh bên trong, hắn khẽ khàng bước nhẹ ra phía cổng tìm cái gì bỏ bụng buổi chiều. Ông lão khi nãy vừa bảo đêm nay sẽ đãi hắn một buổi uống trà giữa đêm để ngắm hoa quỳnh nở. Hắn đã ra khỏi khu vườn mà bên tai vẫn như nghe rõ ràng một giọng nói xa lạ: Mặc ta vô minh, đời lặng lẽ vô thường!

 

Toại Khanh

 

 

 

 

 

BACK

 

Home